Ngày mai (21/6) tới chu kỳ điều hành của giá xăng dầu. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 15/6 tăng, với RON 92 giá là 151,6 USD một thùng, còn RON 95 là 158,1 USD một thùng. Giá dầu liên tục lập đỉnh mới lên tới trên 172 USD một thùng.
Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong tuần nhưng các phiên 16-18/6 lại liên tục giảm mạnh nhất trong 4 tuần qua. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã giảm 6,69 USD, tương đương 5,58%, xuống 113,12 USD một thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 7 giảm 8,03 USD, tương đương 6,83% xuống còn 109,6 USD một thùng.
Do đó, theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, giá xăng có thể tăng 200-400 đồng nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, còn dầu tăng 400-600 đồng một lít. Ngược lại, nếu nhà điều hành dùng Quỹ bình ổn, giá có thể đứng yên.
Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng - đây là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, tới tay người dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).
Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, thuế môi trường với xăng chỉ có thể giảm từ đầu tháng 8 khi Nghị quyết đề xuất này có hiệu lực. Như vậy, giá xăng ở vài kỳ hành tới vẫn chưa thể hạ nhiệt nếu giá quốc tế không giảm đáng kể.
Theo các doanh nghiệp, vài phiên tới giá dầu có thể quay đầu đi xuống khi ghi nhận sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4, đạt mức 12 triệu thùng một ngày vào tuần trước và con số này có thể tăng thêm. Tồn kho dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng đã tăng. Ngoài ra, diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 ở Trung Quốc khiến triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu hạ nhiệt.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dữ liệu và phân tích OANDA, cho biết giá dầu thô giảm khi đồng đôla Mỹ đi lên, Nga báo hiệu xuất khẩu dầu nhiều hơn và khi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng.
Giá dầu trượt dốc khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch để tránh suy thoái.
Trong tuần, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994 để kiềm chế lạm phát đang gia tăng. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Mỹ, Thụy Sĩ đã tăng lãi suất.
Trong nước, tại kỳ điều hành ngày 13/6, mỗi lít xăng tăng 800-880 đồng còn dầu tăng hơn 2.000 đồng và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay. Xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III lên mức 32.370 đồng một lít. Dầu hỏa lên mức giá 27.830 đồng một lít, dầu diesel lên 29.020 đồng một lít...
(Theo VnExpress)