Theo đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn, để Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 đi vào đời sống thực tế ở cơ sở, Đảng bộ huyện Văn Chấn tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng tuyên truyền, sâu rộng tới đông đảo nhân dân bằng nhiều hình thức.
Đồng thời phân công cụ thể cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách xã, cụm xã, thị trấn, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong đó, tập trung vào phát triển nông nghiệp (PTNN), gắn với XDNTM; tăng cường về cơ sở tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, tích cực đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm nông nghiệp (SPNN).
Việc áp dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản suất nông - lâm nghiệp, thủy sản đã được huyện chú trọng. Đến nay, huyện có trên 90% diện tích lúa, ngô được trồng bằng các giống mới; các quy trình canh tác tiên tiến được đưa vào sản xuất, nên tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 44.865 tấn, bằng 102% kế hoạch; giá trị SXNN đạt trên 1.270 tỷ đồng.
Chương trình XDNTM đạt được nhiều kết quả tích cực: năm 2021 có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; hiện toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện có 19 sản phẩm OCOP. Trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm đạt 3 sao...
Đồng chí Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho người dân mở rộng phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, huyện tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, với tổng kinh phí đã thực hiện năm 2021 là 4.270 triệu đồng.
Cụ thể, hỗ trợ phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu theo hướng bền vững đạt 1.000 ha, kinh phí thực hiện 2 tỷ đồng; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc hữu cơ, đặc sản được 73 cơ sở. Trong đó, hỗ trợ chăn nuôi lợn nái quy mô từ 15 con trở lên có 8 cơ sở; chăn nuôi lợn kết hợp quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt trở lên có 5 cơ sở; chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên có 60 cơ sở với tổng kinh phí hỗ trợ là 2 tỷ 270 triệu đồng...
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ PTNN, huyện xây dựng, ban hành, tập trung triển khai thực hiện 8 đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp như: đề án phát triển cây mắc - ca xen với chè và diện tích đã thực hiện trên 203 ha tại xã Nậm Búng, Gia Hội, thị trấn Nông trường Liên Sơn với 447 hộ tham gia; đề án phát triển chăn nuôi lợn bản địa vùng cao (hỗ trợ 2 triệu đồng/cơ sở), đã hỗ trợ 63 cơ sở với kinh phí là 126 triệu đồng; đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây măng sặt, đến nay, trồng được 45/54 ha, đạt 83,3% kế hoạch năm 2022...
Cùng đó, huyện triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm; đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu cho các SPNN chủ lực của huyện và đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã có như: ba ba gai; nếp Tú Lệ; tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý cho SPNN thế mạnh của huyện như: "Chè Shan”, "Cam Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn”. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng, áp dụng quy trình SXNN sạch, nông nghiệp hữu cơ. Toàn huyện hiện có 12 đơn vị áp sản xuất chè, cam, lúa với trên 655 ha các loại; trong đó, chè 488,9 ha; cam 115,9 ha; lúa 50,55 ha được áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ và chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững; qua đó, góp phần thúc đẩy PTNN, nông thôn của huyện Văn Chấn hội nhập và phát triển bền vững.
Đức Toàn