Khâu trung gian hưởng lợi quá nhiều
Khi giá xăng dầu tăng cao, các mặt hàng dịch vụ, ăn uống... được điều chỉnh tăng theo. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh thì giá hàng hóa, dịch vụ vẫn neo ở mức cũ mà không có dấu hiệu giảm.
Ghi nhận tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây, giá cả thực phẩm và dịch vụ vẫn neo ở mức cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc Chính phủ và các bộ ngành phải can thiệp để đưa giá cả hàng hóa về đúng giá trị vốn có, từ đó thúc đẩy tiêu dùng, tăng khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Để bình ổn giá cả, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều nên nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều, còn người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: "Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả, không giải quyết được điểm nghẽn trên, câu chuyện té nước theo mưa hay giá cả hàng hóa lên nhanh, xuống chậm sẽ rất khó chấm dứt”.
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, giá thịt lợn duy trì ở mức cao. Tại nhiều chợ dân sinh, giá thịt lợn phổ biến mức 110.000 - 170.000 đồng/kg, còn trong siêu thị giá từ 170.000 - 260.000 đồng/kg. Đặc biệt, ngay cả khi giá lợn hơi hạ nhiệt, giá thịt ở ngoài chợ vẫn giảm chậm hơn nhiều, khiến cả người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. Giá thịt lợn ở cửa chuồng ra đến bàn ăn đang chênh nhau từ 1,5 - 1,7 lần, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu ví dụ Hàn Quốc, họ xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Hiện nay tại Việt Nam, theo lộ trình cung ứng, một viên thuốc, một con lợn, một con cá… đi từ người sản xuất đến bán buôn, bán lẻ, hay lò mổ, siêu thị mới đến người tiêu dùng.
Thậm chí ở nhiều nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn. Ví dụ, một kg đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, một trong những điểm nghẽn từ lâu ở Việt Nam là chi phí về logistics còn cao. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí logistics vì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.
Theo đó, cần làm rõ chi phí ở khâu nào tăng quá cao, cần phải công khai minh bạch, không đánh đồng với những khâu trung gian khác. Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan bộ ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao. Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của Việt Nam còn cao khiến doanh nghiệp tính luôn vào giá thành.
Các bộ ngành rốt ráo vào cuộc
Trước tình trạng giá cả hàng hóa neo cao, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc. Cụ thể, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.
Bộ Tài chính cũng đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu; tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.
Đại diện các DN sản xuất, kinh doanh cho rằng họ cần có thời gian, độ trễ để rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo đà của giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đồng ý có độ trễ nhưng không thể kéo dài hàng tháng hay mấy tháng. Chỉ sau một vài tuần, các doanh nghiệp cần điều chỉnh ngay; sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa.
Lực lượng QLTT sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có công điện yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chỉ đạo triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng QLTT trong cả nước tăng cường công tác giám sát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Cùng với đó, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.
Dự báo đến cuối năm các mặt hàng thiết yếu có những dự báo biến động phức tạp khó lường. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, việc bình ổn giá cả thị trường sẽ sớm đạt hiệu quả.
(Theo Kinhtedothi)