Cùng tham dự cuộc gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố và trên 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 chi cho xây dựng cơ bản đã giao đến nay là 4.249 tỷ 807 triệu đồng. Tính đến hết tháng 7/2022, số vốn đã giải ngân đạt 1.913 tỷ 745 triệu đồng, bằng 45%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng đối với các nguồn vốn Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải ngân đạt 1.623 tỷ 531 triệu đồng/ 3.366 tỷ 261 triệu đồng kế hoạch, bằng 48%; cao hơn giải ngân chung cả nước, tỉnh Yên Bái đứng thứ 17 so với các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện 1.550 dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển. Trong đó, 155 dự án do cấp tỉnh quản lý, 953 dự án do cấp huyện quản lý và 442 dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Hiện nay, có khoảng trên 60 dự án chậm tiến độ so với thời gian thực hiện dự án được phê duyệt hoặc chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký kết; trên 100 dự án khối tỉnh bị ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh thực hiện 26 dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp, 21 dự án khởi công mới.
Đối với các dự án khởi công mới, đến nay đã khởi công 8/21 dự án (khởi công mới trong năm 2021), 8 dự án dự kiến khởi công năm 2022 (đến nay chưa khởi công), 5 dự án dự kiến khởi công sau năm 2022.
Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời tiết mưa nhiều, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ; nguồn cung ứng vật liệu khan hiếm và đặc biệt là biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng tăng mạnh... nên hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, nhà thầu đã cởi mở, chia sẻ về 6 nhóm khó khăn, vướng mắc; cụ thể trong đơn giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng; về loại hợp đồng; về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; về thiết kế, dự toán, nghiệm thu, quyết toán công trình; về vận chuyển vật liệu; về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã ghi nhận biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp trong việc triển khai các công trình, dự án, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, đồng chí đề nghị các sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện tốt công tác kiểm tra, thẩm định công trình, dự án, đảm bảo hợp đồng chặt chẽ, đúng luật; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho nhà thầu thi công theo đúng kế hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát các dự án đảm bảo yêu cầu, thiết kế; trong quá trình thẩm tra, thẩm định cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những khó khăn, vướng mắc; đồng thời kịp thời nắm bắt thông tin, điều tiết vốn theo đúng mốc thời gian quy định; thực hiện nhanh các thủ tục quyết toán để kịp thời giải ngân; rà soát các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn, quan tâm đến hồ sơ dự thầu và nâng cao trách nhiệm trong quá trình triển khai các dự án.
Đối với những khó khăn, vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp phán ánh tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có giải đáp thắc mắc cho từng nội dung như: đơn giá nhân công, bồi thường giải phóng mặt bằng, nghiệm thu quyết toán công trình…
Hồng Duyên