Thất bát sau khi cam mắc bệnh chết dần, chết mòn, người dân thị trấn Trần Phú ngụp lặn, mạnh ai nấy làm với việc cải tạo đất cam để trồng đủ các loại cây như: mít, táo, ổi, hồng xiêm, ớt, ngổ ngô, nơi dốc cao hơn thì trồng quế, trồng keo. Đến khi trồng bí xanh cho leo thân cam chết khô tiết kiệm được chi phí làm dàn, mang lại thu nhập đáng kể được coi là "phát kiến” đã làm người dân khá hào hứng trong 2 năm gần đây.
Năm 2021, gia đình anh Đàm Đình Chinh ở Tổ dân phố 7 trồng dăm trăm gốc, thu hoạch trên 40 tấn bí xanh, bán được 400 triệu đồng. Thấy lợi, năm nay, anh mở rộng trồng bí tới gần ngàn gốc. Thế nhưng từ khi thu hoạch đến giờ, hàng chục tấn đã được bán cho thương lái, nhưng giá mua chọn chỉ loanh quanh gần 3.000đ/kg.
Anh Chinh cho biết: "Quả bí thu hái về chất đống ở nhà, dân buôn đến thường chọn bí quả dài, đặc lõi để mua, nhưng giá thấp bằng phần ba, phần tư năm ngoái. Bí đã thu hoạch còn đến 2 chục tấn ở nhà, tôi chỉ nước chờ xem có ai đến mua không thôi!”.
Cùng ở tổ 7 với anh Chinh, gia đình ông Nguyễn Trọng Hiếu trồng khoảng 200 gốc cả bí đỏ, cả bí xanh. Trong đó, trên 100 gốc bí xanh, dự kiến thu tầm 3 tấn quả. Những tưởng được khoản thu kha khá nhưng giá "quá bèo”, ông Hiếu bày tỏ, "cố gắng mang ra chợ bán giá cũng chỉ được có 4.000 đồng/kg, sấp sỉ nửa giá năm trước. Còn chờ để bán xe ô tô thì chỉ được 2.500 đồng/kg”.
Gia đình anh Đàm Đình Chinh còn 20 tấn bí quả đã thu hoạch chất đống trong nhà.
Năm 2021, người dân Trần Phú thu 400 tấn quả, trị giá đến 4 tỷ đồng, có lúc giá bán cho thương lái được đến 12.000 đồng/kg. Thấy hiệu quả, vụ bí năm nay nhà nhà trồng bí, thị trấn có 8 tổ dân phố, thì 5 tổ với 230 hộ dân trồng bí; diện tích tới sáu bảy chục ha, sản lượng bí xanh dự báo có thể tới gần 2 ngàn tấn.
Khổ nỗi, điệp khúc "được mùa, mất giá” lại rơi đúng đất này. Theo lãnh đạo thị trấn, bình quân mỗi ngày người dân cắt về khoảng 50 tấn quả. Từ đầu vụ thu hoạch (tháng 6), giá hạ nhanh từ 8.000 đồng/kg xuống 6.000, 4.000 nay còn chưa đến 3.000 đồng/kg quay ngược.
Ông Dương Hữu Tư - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: "1 tấn bí của người dân, thương lái đến chọn được khoảng 1 tạ mua giá 3.000 đồng, 2 tạ tiếp theo giá còn 2.000 đồng, còn lại đổ đầu 1.000 đồng/kg. Bây giờ sản lượng nằm trong nhà dân chắc còn tới ngàn tấn”.
Theo ông Tư, 2 năm trước, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh miền xuôi phức tạp, nhiều vùng trồng rau quả bị phong tỏa không sản xuất được nên họ tới Yên Bái là "vùng xanh” để thu mua rau quả. Năm nay, các vùng thâm canh ở Phú Thọ, Việt Trì, Thạch Thất… cung cấp sản lượng lớn, thêm nữa giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển cao nên việc tư thương đến Trần Phú thu mua bí xanh cũng không thường xuyên.
Chưa kể tình trạng người dân đua nhau trồng bí nên sản lượng tăng đến 2 lần so với năm trước cũng chính làm khó càng khó hơn. Chính quyền cơ sở cũng đã định hướng người dân khi bắt đầu vụ trồng, rồi tăng cường thông tin tuyên truyền, mời gọi tiêu thụ khi có sản phẩm dưới nhiều hình thức, song chưa thấy tín hiệu đáng mừng nào.
Đã đến lúc, các ngành chức năng của huyện, các ban ngành đoàn thể của tỉnh, và có lẽ cả Sở Công Thương Yên Bái cần có biện pháp giúp người dân thị trấn Trần Phú tiêu thụ nông sản này với giá tốt hơn. Dù sản lượng không lớn, nhưng đó là sự vào cuộc hết sức cần thiết trong lúc này, giống như Yên Bái đã hỗ trợ một số tỉnh tiêu thụ dứa, vải thiều, dưa hấu cho các tỉnh bạn trong thời gian qua.
Quang Tuấn