Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp khi hợp tác đào tạo nghề cho lao động

  • Cập nhật: Chủ nhật, 21/8/2022 | 6:54:28 AM

Nhiều chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Song cũng cần có các chính sách ưu đãi về thuế để thu hút nhiều hơn doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Một báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ ra rằng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, đây tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.

Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%, có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ. Chất lượng lao lao động Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng.

Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm. Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm.

Tại hội nghị về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập vừa diễn ra, đại điện Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng, Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.

Năm 2019 đã có cuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam, cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp có báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong  tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp.

90% doanh nghiệp gặp phải ứng viên không phù hợp

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho biết, trong lĩnh vực du lịch, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hàng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cả nước cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 15.000.

"Chúng ta đang gặp khó khăn khi phí lao động tăng nhanh nhưng tay nghề của người lao động còn hạn chế, khả năng đáp ứng chưa cao. Theo thống kê có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp, thử việc xong cũng phải xin nghỉ”, ông Đặng Minh Trường cho biết.

Ông Trường cho rằng, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, cần nâng cao vai trò, nhận thức của giáo dục nghề nghiệp. Như ở Singapore, những năm 1960 có đến 95% hướng nghiệp vào đại học, nhưng đến thời điểm này có đến 65% được phân luồng để học đào tạo nghề hoặc giáo dục hướng nghiệp.  Do đó, cần có sự hợp tác đa phương về đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp.


Cần có chính sách giảm thuế nếu doanh nghiệp chứng minh được có đào tạo lao động

Cũng theo ông Đặng Minh Trường, cần có chính sách ưu đãi về thuế trong tổng thể chiến lược để có gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ ngân sách giải ngân để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề và tái đào tạo kỹ năng của người lao động.

Ông Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng, hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Song cũng cần nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu chứng minh được việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật... 

Là địa phương có tới hơn 300.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã đưa lao động của họ vào làm việc tại khu công nghiệp, do đó cần có quy định về tỷ lệ lao động kỹ thuật giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong doanh nghiệp. Hiện nay tỉnh Bắc Giang đã có chiến lược đào tạo trong thời gian tới để có đủ nguồn nhân lực thay thế gần 1 vạn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp.

Theo ông Lê Ánh Dương, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống các trường nghề, nhất là các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng đem lại hiệu quả cao và rõ ràng.

Cuối cùng, cần sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Thực tế các doanh nghiệp vẫn đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên chưa có chứng chỉ được công nhận. Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, tạo nên chuỗi giá trị bền vững./.

(Theo VOV)

Các tin khác

Ngày 20/8, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đi thăm, kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế theo hướng hữu cơ phát huy hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Nuôi cá lồng của người dân và doanh nghiệp trên vùng hồ Thác Bà (Yên Bái)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Thịt lợn được nhập khẩu về Việt Nam trong nửa đầu năm nay có giá trung bình chưa đến 50.000 đồng/kg - mức giá khá rẻ so với giá thịt lợn trong nước hiện nay.

Ảnh minh họa.

Về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục