Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cây chè còn gặp nhiều khó khăn như: một số nơi việc trồng và chăm sóc còn hạn chế làm giảm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Để giải quyết vấn đề này, huyện xác định rõ phải tìm ra loài cây trồng xen với cây chè; tăng tỷ lệ che bóng cho người thu hái; phù hợp với điều kiện canh tác của người dân; góp phần tăng năng suất của cây chè và lợi nhuận cho người trồng chè.
Qua các kết quả đánh giá, thị trường trong nước, quốc tế và nghiên cứu khảo nghiệm, thử nghiệm gây trồng cây mắc ca tại một số xã, thị trấn tại huyện Văn Chấn đã chứng tỏ đây là loài cây phù hợp với điều kiện sinh thái, đem lại lợi ích cao về kinh tế - xã hội, môi trường. Vì vậy, huyện đã xây dựng Đề án trồng mắc ca xen với diện tích chè giai đoạn 2021 - 2025.
Qua 3 năm triển khai, được đông đảo người trồng chè hưởng ứng và hứa hẹn tạo ra một vùng chè ổn định, bền vững, đáp ứng đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân trên một diện tích đất canh tác và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tháng 8/2021, thị trấn Nông trường Liên Sơn bắt đầu triển khai đề án mắc ca và sau 2 năm, tổng diện tích mắc ca xen chè của thị trấn đạt 57 ha trên tổng 500 ha chè toàn thị trấn.
Anh Nguyễn Thanh Hải, tổ 1, thị trấn Nông trường Liên Sơn có 4 ha chè kinh doanh đều trồng xen mắc ca cho biết: "Giá hạt mắc ca hiện nay dao động ở mức bình quân khoảng 300.000/kg. Ngoài tác dụng tạo bóng mát, cải tạo đất, cây mắc ca có thể giúp tăng giá trị mỗi héc - ta chè lên 50%”.
Ông Đoàn Quang Kỳ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Qua 2 năm triển khai, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển thuận lợi, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Sau 5 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch, thị trấn cũng đã ký kết với một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân”.
Huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2025 hình thành vùng trồng 400 ha mắc ca xen chè nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hình thành mối liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mắc ca theo chuỗi giá trị sản xuất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đề án trồng mắc ca, đề án phát triển dâu tằm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Hiện tại, huyện có 142 ha; trong đó, diện tích từ nguồn hỗ trợ theo đề án 55 ha; từ nguồn hỗ trợ của dự án COPIA 69 ha, nhân dân tự đầu tư 18 ha. Để thuận lợi trong việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi và tiêu thụ kén tằm, huyện đã thành lập 22 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã (HTX) dâu tằm.
Ông Đinh Văn Mong - Giám đốc HTX Dâu tằm Sơn Thịnh cho biết: "HTX có 11 thành viên, 13 ha dâu, hoạt động theo mô hình khép kín. HTX xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung để cung cấp cho tất cả cho các hộ dân, rút ngắn thời gian nuôi. Nhờ vậy, sản phẩm kén thu được sẽ đảm bảo chất lượng và năng suất hơn”.
Theo ông Mong, mỗi hộ chỉ cần có khoảng 2.000m2 trồng dâu, chăm sóc tốt mỗi tháng có thể cho thu nhập 6 - 8 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả và gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ dâu tằm tơ, các xã đã thành lập 3 HTX gồm: HTX Môi trường xanh Chấn Thịnh, HTX Dâu tằm Sơn Lương, HTX Dâu tằm Sơn Thịnh.
Huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà tằm con, 90 nhà tằm lớn, trên 70 né nuôi tằm; triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nuôi tằm và phấn đấu đến năm 2025 có 250 ha trồng dâu nuôi tằm. Bước đầu, cây dâu, con tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế và đang góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân Văn Chấn.
Cùng với các loại cây trồng khác, măng sặt đã trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, được đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn chú trọng phát triển. Nhận thấy, đây là một loại cây cho giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm măng sặt là rất lớn, UBND huyện xây dựng đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu măng sặt giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu trồng măng sặt của người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, giảm tác động của người dân vào rừng tự nhiên.
Huyện đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản phẩm có chất lượng cao, ổn định lâu dài hướng tới chuẩn hóa theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 100 ha trồng mới, 273 hộ tham gia tại 11 thôn thuộc 5 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, với diện tích măng sặt đang cho khai thác tại 5 xã: An Lương, Suối Quyền, Nậm Lành, Nghĩa Sơn và Suối Bu là 150 ha, măng sặt đóng góp quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội cũng như môi trường sinh thái của người dân nơi đây.
Với sản lượng đạt khoảng 3 tấn/ha, giá bán thời điểm đầu mùa từ 50.000 - 65.000 đồng/kg, chính vụ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm và thu nhập hàng năm ước đạt 6 - 9 tỷ đồng, bình quân đạt 18,23 triệu đồng/hộ/năm.
Cùng với các đề án trồng trọt, phát triển chăn nuôi cũng đang là một lợi thế của huyện. Những năm qua, nhiều đề án hỗ trợ chăn nuôi đã góp phần tăng trưởng mạnh đàn gia súc, đến nay, huyện Văn Chấn có tổng đàn gia súc chính đạt 110.556 con; trong đó, đàn trâu 14.156 con; bò 7.482 con; lợn 88.928 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 4.806,1 tấn.
Để bảo vệ và duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra tại cơ sở để phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tăng cường tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn vật nuôi, phun tiêu độc khử trùng, làm tốt việc kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm... để bảo vệ sản xuất.
Năm 2021, huyện có 65 cơ sở đăng ký chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 69 với kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng. Năm 2022, huyện có 94 cơ sở ở các xã, thị trấn đăng ký hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm (gà đen) theo Nghị quyết 69 với kinh phí hỗ trợ là 2,8 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2022, đã nghiệm thu, giải ngân xong kinh phí đợt 1 cho 65 cơ sở chăn nuôi, còn lại 29 cơ sở thực hiện đợt 2, dự kiến giải ngân trong tháng 10/2022.
Việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 69 với quy mô lớn ở huyện Văn Chấn đã kịp thời tiếp sức cho người dân trong huyện có thêm động lực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu.
Những đề án phát triển kinh tế tại các xã, thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn đã, đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã, thị trấn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Anh Dũng