Năm 2019 - 2021, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện đã hỗ trợ nhân dân triển khai 9 dự án nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận với kinh phí bình quân khoảng 100 triệu đồng/dự án. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) còn chủ động, mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện, duy trì các chứng chỉ, chứng nhận tiêu chuẩn.
HTX Dịch vụ Tổng hợp Kiến Thuận có 150 ha chè của 58 hộ thành viên liên kết đều đã đạt các chứng nhận tiêu chuẩn: RA (Rainforesr Alliance) từ năm 2015 và ISO 22000:2018, HACCP, FDA vào năm 2020. Đây là những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng và an toàn vệ sinh một cách bài bản, giúp doanh nghiệp kiểm soát các mối nguy từ quy trình sản xuất, được nhiều quốc gia trên thế giới chấp thuận.
Lãnh đạo HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận kiểm tra chất lượng chè nguyên liệu.
Phó Giám đốc HTX Đỗ Tuấn Lương chia sẻ: "Để ký được các hợp đồng lâu dài với các khách hàng lớn, chúng tôi buộc phải củng cố, hoàn thiện HTX để đạt tiêu chuẩn của các chứng nhận này. HTX đã chủ động đầu tư 400 triệu đồng để hoàn thiện các chứng nhận tiêu chuẩn đó trong thời gian hơn 6 tháng và kinh phí để duy trì mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng. Mặc dù đây là số tiền lớn nhưng đổi lại, chúng tôi sẽ có tiếng nói, uy tín, thương hiệu với đối tác trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường”.
Từ sau năm 2020, sản phẩm chè của HTX đã đẩy mạnh mở rộng thị trường sang xuất khẩu vào các thị trường khó tính của thế giới thay vì phần lớn tiêu thụ nội địa như trước. Đến nay, sản phẩm chè của HTX đã xuất khẩu tới hơn 10 nước trên thế giới; trong đó, có 2 hợp đồng dài hạn với thị trường Mỹ trị giá 5 triệu USD và thị trường Hà Lan 2 triệu USD. Doanh thu của HTX tăng trên 30% từ 25 tỷ đồng (năm 2020) lên 35 tỷ đồng (năm 2022), tạo việc làm cho 65 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Nhiều cơ sở sản xuất sau khi đạt các chứng chỉ, chứng nhận tiêu chuẩn đã khẳng định đây là căn cứ đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng và độ an toàn. Từ đó, từng bước hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; có khả năng tiếp cận với đa dạng thị trường, nhất là các thị trường lớn, "khó tính” nhưng nhiều tiềm năng, góp phần tạo việc làm, thu nhập, tăng giá trị sản xuất cho người dân.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục ban hành Đề án Nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm chủ lực với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn, trang bị kiến thức, tư vấn cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông - lâm sản, thủy sản xây dựng các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được các tổ chức chứng nhận kiểm tra cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; từ đó, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Theo đó, đến năm 2025, huyện sẽ hỗ trợ 2 đơn vị/năm cài đặt phần mềm, mua máy in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ 7 đơn vị tham gia xây dựng vùng sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận trong nước và quốc tế khác, được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.
Các sản phẩm nằm trong nhóm hỗ trợ gồm: chè, cây ăn quả có múi, lúa đặc sản, quế, lợn thịt, gia cầm với kinh phí hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/giấy chứng nhận để điều tra, khảo sát, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí, mẫu sản phẩm; đào tạo tập huấn, xây dựng hệ thống giám sát nội bộ và thuê đánh giá, cấp chứng nhận sản phẩm an toàn.
Đến nay, toàn huyện Văn Chấn đã có 504,5 ha chè, 195,67 ha quế, 55,55 ha lúa, 109,5 ha cam đạt các chứng nhận tiêu chuẩn: VietGAP, hữu cơ, HACCP... Cùng với việc tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, việc khuyến khích, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương, góp phần phát triển nền nông nghiệp huyện Văn Chấn theo hướng xanh, bền vững.
Hoài Anh