Hiện nay, tỉnh Yên Bái có hơn 2.900 doanh nghiệp, trên 600 hợp tác xã được cấp phép và hoạt động. Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song các doanh nghiệp, HTX lại chính là những "chiến sỹ” trên "mặt trận kinh tế”, luôn nỗ lực phấn đấu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng được các sở, ngành triển khai đồng bộ. Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương - Chi cục phó Chi cục Hải quan tỉnh cho biết, Chi cục đã tập trung vào việc cải tiến cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực, đồng thời tiếp thu các kiến nghị liên quan để cải cách hành chính, cắt giảm những thủ tục hành chính không thực sự cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đến thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan Yên Bái.
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh. Với 3 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, trong đó trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều cấp trình độ đào tạo và nhiều nghề đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ASEAN và chuẩn quốc gia.
Đến nay, Trường đã liên kết với trên 30 doanh nghiệp hợp tác quốc tế, đào tạo cho sinh viên cho nước bạn Lào, Tập đoàn LG, đào tạo chuyển giao theo chương trình của Cộng hòa Liên bang Đức, Hội đồng Anh,... từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng, vị thế trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của cả nước, mỗi năm cung ứng hàng ngàn lao động có kỹ năng nghề, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước.
Cụ thể hóa trong công tác cải cách hành chính theo hướng giảm số lượng thủ tục, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí đầu vào… một cách thực chất, hiệu quả đã được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan hành chính tại Yên Bái. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn đạt trên 99%, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên 99,9%. Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đều tăng so với năm trước.
Tăng cường đối thoại
Phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” và Chương trình "Cà phê doanh nhân" thường xuyên được các cấp chính quyền tại Yên Bái tổ chức nhằm lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; tạo cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực về cơ chế, chính sách, thông quan, xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, tài chính, lao động,... trên tinh thần chủ động và cầu thị.
Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp tham gia các chương trình cà phê doanh nhân, đồng thời yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương lắng nghe, giải quyết đúng, trúng nhất các kiến nghị, tháo gỡ kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong triển khai các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng ngày càng được nâng cao.
Đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh Yên Bái thực hiện thời gian qua. Với quyết tâm nâng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) của tỉnh năm 2022 và đến năm 2025 đứng trong top 20 trên cả nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022, trong đó đặt ra 38 mục tiêu phấn đấu, giao 54 nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành và xây dựng 10 mô hình điểm về chuyển đổi số.
Đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Nghị - Phó Giám đốc Công ty Điện Yên Bái chia sẻ, việc chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, giảm nhiều lao động trực tiếp, tiết kiệm khoảng trên 20% lao động. Năng suất lao động được nâng cao ở tất cả các khâu, từ khâu vận hành, kinh doanh, đầu tư xây dựng, công tác văn phòng, tài chính kế toán.
Định hướng phát triển trong những năm tiếp theo, Yên Bái nhất quán với phương châm "Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nội lực để tỉnh phát triển”. Yên Bái cam kết luôn theo sát, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô và chất lượng.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)