Huy động nguồn thu ngày càng cao
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, nguồn thu từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng tăng đều qua các năm và vượt kế hoạch đề ra. Từ số thu ban đầu 20,1 tỷ đồng năm 2012 tăng lên gần 122 tỷ đồng năm 2021 của 85 cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó số diện tích rừng được chi trả cho dịch vụ này tăng tương ứng từ 153,5 nghìn héc ta lên 215 nghìn héc ta.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tiềm năng cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại Yên Bái là rất lớn. Các lưu vực sông, suối cũng tăng lên qua các năm nhờ chất lượng, diện tích rừng được tăng lên. Để nguồn thu hàng năm tiếp tục tăng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái thường xuyên bám sát cơ sở, vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhiều hình thức thu, mở rộng đối tượng thu, đảm bảo chi trả kịp thời, đúng quy định.
Sau 10 năm thực hiện, tổng số thu sử dụng dịch vụ môi trường rừng đạt 774 tỷ đồng của 64 cơ sở trong tỉnh và 21 cơ sở ngoài tỉnh, không có đơn vị nào chậm nộp. Đây là nguồn tài chính bền vững, đều đặn chi trả cho gần 8.700 chủ rừng, trong đó có 119 chủ rừng là tổ chức và cộng đồng dân cư, còn lại là các hộ gia đình, cá nhân.
Bên cạnh đơn giá của dịch vụ môi trường rừng tăng lên, nguồn thu tăng lên khi diện tích rừng đạt tiêu chuẩn, chất lượng hưởng dịch vụ môi trường rừng tăng lên. Do vậy, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, vận động để người dân được hưởng lợi từ việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Yên Bái.
Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo duy trì chất lượng rừng hiện có, từng bước mở rộng diện tích rừng đạt tiêu chuẩn. Từ đó, có cơ sở tăng nguồn thu bền vững từ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng môi trường rừng.
Từ chỗ rừng được quản lý và bảo vệ dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước, nay thông qua chính sách dịch vụ môi trường rừng đã huy động được nguồn thu đáng kể, tăng ổn định qua các năm, tạo điều kiện cho các bên cung ứng và sử dụng dịch vụ môi trường rừng có trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 326 nghìn héc ta rừng đầu nguồn và đất lâm nghiệp đạt tiêu chí cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Số diện tích rừng đều có nguồn sinh thủy cho các lưu vực sông lớn có cung ứng dịch vụ môi trường rừng, như: lưu vực sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, sông Nậm Tha, sông Nậm Xây, ngòi Lao, ngòi Thia... Điều đó cho thấy, các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng rất lớn, nhất là các thủy điện nằm trong và ngoài tỉnh Yên Bái.
Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện tại tập trung vào 4 loại hình dịch vụ, đó là: thủy điện, nước sạch, nước công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trong khi theo Luật Lâm nghiệp, nguồn thu này còn tiếp tục được mở rộng đến các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác, như: du lịch sinh thái; chế biến gỗ rừng trồng; nông nghiệp sạch... Đây là cơ sở để nguồn thu tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Hiệu quả của chính sách môi trường rừng
Với phương châm "lấy rừng để nuôi rừng", chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Yên Bái đã mang lại những lợi ích thiết thực, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, nâng cao vị thế, vai trò của môi trường rừng đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo mối liên kết, cộng đồng trách nhiệm của chủ rừng với đơn vị sử dụng môi trường rừng, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, nơi có trên 82 nghìn héc ta đất rừng nằm trong 4 lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng lớn nhất tỉnh Yên Bái. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải là một trong những chủ rừng, quản lý 54 nghìn héc ta rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm nhận được 50 tỷ đồng để chi trả cho trên 5.400 hộ và gần 100 cộng đồng, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Anh Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết, cùng các nguồn thu khác từ rừng, phí dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập của người dân, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng được phối hợp làm chặt chẽ, mỗi năm một lần. Do đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm rõ rệt.
Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế, giải quyết việc làm; hỗ trợ hoạt động tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như: xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông, hội trường thôn bản, sân chơi thể thao… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân giữ rừng.
Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhiều khu rừng nghèo kiệt được phục hồi, và đủ tiêu chí cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Công tác quản lý rừng từng bước đi vào nề nếp, các chủ rừng đã lập hồ sơ quản lý rừng, làm tiền đề tiến tới giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian tới, bà Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời mọi quy định của chính sách, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần khắc phục, điều chỉnh một số tồn tại, hạn chế mà qua giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã chỉ rõ.
Cụ thể đó là: cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hướng tới không còn tình trạng lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy; cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng rừng để giao khoán phục hồi rừng tới chủ rừng, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng rừng.
Đồng thời, điều chỉnh nguồn thu cho một số địa phương có rừng nhưng không có đơn vị sử dụng dịch vụ rừng cho tương xứng; điều tiết mức chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các địa phương để không còn sự chênh lệch quá lớn, đảm bảo lợi ích công bằng giữa các đối tượng được thụ hưởng.
(Theo dantocmiennui)