Giai đoạn 2022 - 2025, việc làm là 1 trong 6 chiều thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều mới. Đây được coi là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản vì thực chất khi 1 hộ gia đình có ít nhất 1 người có việc làm bền vững, có thu nhập tốt thì sẽ có cơ hội thoát nghèo.
Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: "Để góp phần giúp người dân có việc làm, địa phương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Mỗi năm, xã đều tổ chức rà soát, nắm bắt những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động để tổ chức tư vấn, giới thiệu về chính sách đào tạo nghề, các lớp học nghề, thúc đẩy, hỗ trợ học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có thể chuyển đổi việc làm, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo sinh kế thông qua việc tham gia mô hình, dự án nông nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức 7 lớp đào tạo nghề cho trên 200 học viên”.
Nhiều lao động nông thôn sau khi tham gia các lớp học nghề đã mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa hoc kỹ thuật vào phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tại địa phương.
Anh Giàng A Hềnh, người dân xã Suối Giàng cho biết: "Sau nhiều năm học nghề xây dựng, mấy anh em cùng tham gia lớp học nghề đã liên kết thành một đội để nhận thi công các công trình xây dựng nhà ở trong xã. Những khi ít việc, chúng tôi lại trồng chè, chăn nuôi gà, lợn để phát triển thêm kinh tế gia đình. Chúng tôi không những thoát nghèo mà còn đang vươn lên làm giàu chính đáng”.
Để giải quyết việc làm, xã cũng tạo nhiều điều kiện, thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Với 7 đơn vị tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 20 cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương có thu nhập ổn định với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh cũng được chú trọng, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp để có định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Mới đây, xã Suối Giàng còn phối hợp tổ chức ký kết thỏa thuận 4 bên gồm chính quyền - nhà trường - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực.
Theo đó, UBND xã sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo lộ trình cụ thể, đôn đốc các bên thực hiện thỏa thuận; cùng doanh nghiệp vận động xã hội hóa, xây dựng Quỹ Hỗ trợ hướng nghiệp để giúp đỡ học sinh và người dân hoàn thành các khóa học theo kế hoạch đào tạo nhân lực. Trường Cao đẳng Yên Bái cung cấp các khóa học phù hợp với nhu cầu nhân lực tuyển dụng.
Trường TH&THCS Suối Giàng khảo sát nhu cầu, phân nhóm học sinh theo các nghề đặt hàng, vận động học sinh tham gia các khóa học.
Các doanh nghiệp tại địa phương sẽ tổng hợp nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm của các doanh nghiệp tại Suối Giàng và các khu vực lân cận, giúp UBND xã và các nhà trường xác định số lượng các vị trí cần tuyển dụng theo lộ trình để các bên cùng xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; ưu tiên tuyển dụng và kết nối tuyển dụng những học sinh, sinh viên thuộc xã Suối Giàng.
Với cách làm này, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã Suối Giàng đạt 61,65%, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 68,3%, 98% lao động có việc làm. Xã Suối Giàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đào nghề gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương mà còn góp phần tạo việc làm cho người dân - một mục tiêu trọng tâm của chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn này.
Hoài Anh