Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là khả năng tiếp cận vốn rất hạn hẹp; nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, làm chậm tiến trình hồi phục, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, DN hiện nay cũng đang rất cần vốn, đặc biệt dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, chi phí năm nay của DN bị đội lên rất lớn, nhu cầu vốn đã tăng thêm từ 7 - 14%. Cùng lúc đó, các kênh huy động vốn lại rất khó khăn, lượng phát hành trái phiếu DN đã giảm từ 35 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia nói thêm, nếu xử lý điểm nghẽn của thị trường BĐS tháo gỡ được thủ tục hành chính của những dự án, điều này cũng sẽ tạo thêm kênh dẫn vốn tiếp theo.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh Trương Tiến Dũng, để cứu DN, ngành ngân hàng cũng cần nhanh hơn bởi DN đang trông chờ rất lớn vào các chính sách kịp thời của Nhà nước. Hiện nay, rất nhiều DN ở nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn do không thể tiếp cận vốn, trong đó quan trọng nhất là DN lương thực thực phẩm, sản xuất hàng thiết yếu và hàng tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết, các đơn vị, các bộ, ngành cần phải đánh giá đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp cứu DN trong giai đoạn khó khăn. Thực tế, dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố mà hiện nay đã ảnh hưởng tới DN.
Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, 100% DN đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, kể cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Trong đó, khó khăn về vốn, lãi suất đang nằm ở thứ tự thứ 4, thứ 5. Do đó, khi bàn về tháo gỡ khó khăn cho DN, cần phối hợp đồng bộ với những khó khăn hàng đầu như: Nguồn lực lao động, nguồn nguyên liệu... để có thể hỗ trợ toàn diện cho DN.
Ngoài ra, quan trọng nhất vẫn là phải phối hợp đồng bộ các chính sách chung và lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua tăng tín dụng cho nền kinh tế hoặc chọn giải pháp lãi suất cho vay không quá cao. Tuy nhiên, khi nới lỏng tiền tệ thì phải đối phó với nguy cơ lạm phát. Do đó TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần lưu ý kiểm soát lạm phát vì sẽ liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách thuế, chính sách vĩ mô...
Đề xuất giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng, Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho DN.
VNBA đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá; cần đẩy nhanh tiến độ các luật đang được sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…).
"Tiếp tục rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn. Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra” - TS Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.
(Theo Kinh tế đô thị)