Ngày 22/12, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết, hai đoàn hôm nay khởi hành, sẽ tập trung rà soát trong một tháng. Việc kiểm tra cũng có thể tiến hành tại các trung tâm có biểu hiện tiêu cực ở một số tỉnh, thành khác.
Đây là động thái mới của Cục sau khi 9 trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị cơ quan công an điều tra vì bỏ qua các vi phạm của xe cơ giới. Trong đó có một đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 8 đơn vị thành lập theo hình thức xã hội hóa.
Theo ông Nguyễn Vũ Hải, ngoài thanh kiểm tra, Cục Đăng kiểm sẽ rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để siết chặt lại công tác cấp phép, quản lý hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt là siết chặt thành lập trung tâm kiểm định xe cơ giới theo Nghị định số 139.
Hiện nay, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 64 thuộc các Sở Giao thông vận tải và 216 được đầu tư xã hội hóa, tập trung nhiều nhất ở TP HCM và Hà Nội.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, số lượng trung tâm đăng kiểm hiện nay là quá lớn so với số phương tiện. Trong đó có nhiều đơn vị đầu tư xã hội hóa dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, kiểm định dễ dãi để thu hút khách hàng. Do đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, đơn vị nào vi phạm, tiêu cực sẽ bị rút giấy phép hoạt động.
"Chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn về cơ sở vật chất, nhân sự để hạn chế các trung tâm đăng kiểm ra đời ồ ạt. Sự gia tăng đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới phải tương xứng với nhu cầu kiểm định của người dân", ông Hải nói.
Ngoài ra, cơ quan quản lý đăng kiểm sẽ yêu cầu các đơn vị đầu tư công nghệ, nâng cấp phần mềm và tăng cường tự động hóa để hạn chế can thiệp của con người vào hoạt động kiểm định. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng xem xét phân cấp cho các Sở giao thông vận tải thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động các đơn vị đăng kiểm.
Ngày 21/12, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập trong hoạt động kiểm định phương tiện; nhận diện từng khâu dễ phát sinh tiêu cực để có giải pháp cụ thể phòng ngừa.
Theo Bộ này, công tác thanh tra cho thấy kiểm định phương tiện tại một số đơn vị còn nhiều thiếu sót, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các lỗi như không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải...
Công an TP HCM đang mở rộng điều tra đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại 9 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Kết quả điều tra bước đầu xác định, lãnh đạo các trung tâm đã nhận tiền của chủ 70.000 phương tiện, thông qua "cò" đưa xe đến kiểm định, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm trên đã nhận "lót tay" rồi chỉ đạo Phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên bỏ qua các vi phạm của xe đăng kiểm. Cụ thể là bỏ qua các lỗi trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
(Theo VnExpress)