Hán Đà phục hồi sản xuất sau lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/11/2024 | 10:58:36 AM

YênBái - Với tinh thần nước rút tới đâu, khắc phục hậu quả tới đó, sau khi hoàn lưu cơn bão số 3 qua đi, xã Hán Đà (Yên Bình) đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn bị ngập úng vận động nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước phục vụ sản xuất.

Nông dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình chăm sóc rau màu mới trồng trên vùng đất bị ngập lũ do cơn bão số 3 gây ra.
Nông dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình chăm sóc rau màu mới trồng trên vùng đất bị ngập lũ do cơn bão số 3 gây ra.

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua khiến gia đình ông Nguyễn Văn Tân, thôn Hán Đà 2 bị thiệt hại nặng nề. Toàn bộ diện tích lúa gần 5 sào và 4 sào bưởi đều bị ngập úng hoàn toàn và mất trắng. Sau khi nước rút, ngày ngày hai vợ chồng ông Tân miệt mài ngoài ruộng để đào rãnh thoát nước, thu dọn cây khô, cỏ rác để gieo trồng cây vụ đông. 

Ngừng tay chăm sóc luống rau mới trồng, ông Tân chia sẻ: "Sau khi xã cấp ngô giống và rau màu, tôi đã ngâm ủ và gieo trồng ngay. Đến nay, cây ngô đã trồng dược gần 2 tháng đang trổ cờ và chỉ 1 tháng nữa là có thể thu hoạch. Phần diện tích thiếu nước, tôi trồng rau màu để có thêm thu nhập bù lại thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua. Còn đối với diện tích bưởi, tôi vun gốc và chăm bón vì đợt ngập úng vừa rồi quả rụng hết. Cũng may, chỉ lác đác vài cây bị chết vì thối rễ. Tôi tin rằng, thành quả lao động sẽ xứng đáng với công sức của chúng tôi”. 

Ngừng tay chăm sóc ruộng ngô, bà Nguyễn Thị Bích thôn Hán Đà 2 cho biết: "Nước lên quá nhanh, thời gian ngập úng cũng mất gần 4 ngày nên 2 sào ngô của gia đình tôi đều mất trắng. Cũng may, chỉ ngập úng, không bị phù sa bồi lấp nên khi nước rút, xã cấp giống là tôi vệ sinh đồng ruộng và tra ngô giống luôn. Chỉ 1 tháng nữa là ngô được thu hoạch, có thể bù lại diện tích ngô bị mất do ngập úng vừa qua”. 

Thôn Hán Đà 2 bị thiệt hại nhiều nhất do mưa lũ. Theo báo cáo, cả thôn có trên 16 ha lúa thì diện tích bị ngập úng không có khả năng phục hồi là 12 ha, với 81 hộ bị thiệt hại; gần 2 ha ngô với 30 hộ bị thiệt hại và ngập úng trên 9 ha cây ăn quả. Sau khi nước rút, thôn tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại báo cáo UBND xã để đề xuất với tỉnh, huyện phương án hỗ trợ phục hồi sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Dậu - Trưởng thôn Hán Đà 2 cho biết: "Sau khi nước rút, thôn vận động nông dân nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng. Khi xã tiến hành phát giống ngô, rau màu, phân bón, chúng tôi đã vận động bà con khẩn trương bắt tay ngay vào sản xuất để bảo đảm ổn định đời sống, lương thực. Đến nay, hầu hết những diện tích lúa bị ngập úng đã được bà con trồng lại bằng cây ngô đông. Những diện tích thiếu nước được bà con sản xuất rau màu các loại. Cơ bản cuộc sống của bà con trong thôn đã ổn định trở lại”. 

Theo báo cáo của UBND xã Hán Đà, ảnh hưởng của mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 đã làm trên 31 ha lúa của 260 hộ, trên 4 ha ngô của 72 hộ, trên 19 ha cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm tại 5 thôn: Hán Đà 1, Hán Đà 2, Tân Lập, Tiên Phong, Phúc Hòa bị thiệt hại trên 70% và không có khả năng khôi phục. 

Căn cứ trên Hướng dẫn số 07/HD-UBND ngày 21/10/2024 của UBND tỉnh hướng dẫn một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 của HĐND tỉnh quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản suất nông nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh, UBND xã đã có tờ trình đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp. 

Trên cơ sở phân bổ kinh phí, giống, phân bón, xã được cấp phát 11 tấn phân bón tổng hợp, 200 kg giống ngô tẻ, 60 kg giống ngô nếp, 30 kg rau màu các loại. Đồng thời, theo quy định, mỗi héc - ta lúa bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 10 triệu đồng; 1 ha ngô và rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 7 triệu đồng; 1 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 4 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Minh Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: "Nhằm giúp nông dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, khôi phục sản xuất, chính quyền xã đã thành lập các tổ công tác đến từng thôn, cánh đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, cùng nhân dân tập trung cải tạo đất, gieo trồng cây vụ đông. Giống ngô, rau màu, phân bón được cấp phát, UBND xã đã phân bổ trực tiếp đến tận tay nông dân bảo đảm đúng người, đúng đối tượng để bà con bắt tay ngay vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, những diện tích lúa, ngô bị ngập úng không có khả năng khôi phục đã được bà con trồng xong bằng ngô đông và rau màu các loại, bảo đảm thời gian, kế hoạch để sản xuất vụ đông xuân tới”.

Với tinh thần chủ động, quyết tâm và những giải pháp kịp thời, quyết liệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Hán Đà đang hồi phục. Màu xanh đã trở lại trên những cánh đồng, mang theo niềm tin, hy vọng về một vụ đông thắng lợi cho nông dân vùng bị ảnh hưởng  mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra.

Thanh Tân

Tags Hán Đà phục hồi sản xuất sau lũ

Các tin khác
Vàng nhẫn lên mức tương đương vàng miếng.

Giá vàng thế giới hôm nay (20/11) tiếp đà đi lên, đạt mức cao nhất trong hơn 1 tuần. Trong nước, giá vàng miếng tăng thêm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều, niêm yết ở mức 82 - 85 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn cũng tăng tiếp cả triệu đồng, lên mức tương đương với giá vàng miếng, kém vàng miếng chỉ 200 nghìn đồng/lượng.

Cán bộ huyện Lục Yên và xã Khánh Thiện kiểm tra mô hình chăn nuôi dê theo NQ69 của người dân thôn Nà Bó.

Huyện Lục Yên có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND (NQ69) ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo động lực mạnh mẽ cả về vật chất và tinh thần giúp những người dân còn khó khăn trên địa bàn huyện thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng.

Thời điểm cuối năm, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép thường diễn biến phức tạp, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Niềm vui của du khách khi trải nghiệm câu lure trên hồ Thác Bà.

Hồ Thác Bà, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, không chỉ là một danh thắng nổi tiếng mà còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế của huyện Yên Bình và khu vực lân cận. Với diện tích mặt nước hơn 23.000 ha và hệ sinh thái phong phú, nơi đây đang trở thành điểm sáng trong các mô hình kinh tế kết hợp giữa ngư nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục