Tiếp tục chính sách giảm VAT để hỗ trợ phát triển kinh tế, doanh nghiệp và người dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/12/2022 | 7:37:34 AM

Từ 1/2/2022 đến nay, thuế VAT được áp dụng giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau gần một năm thực hiện, có thể nói chính sách này đã tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, góp phần trực tiếp và gián tiếp tạo nên những điểm sáng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Giảm VAT ai cũng hưởng lợi

Có thể thấy toàn bộ xã hội đã được hưởng lợi từ chính sách thiết thực này. Từ mỗi người dân, đến mỗi doanh nghiệp và cả chính quyền đều thu được những lợi ích đáng kể.

Với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm tuy doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số, đẩy mạnh qui mô kinh doanh.

Với chính quyền, nếu như giảm thuế VAT làm giảm nguồn thu ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng thì nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác, thu ngân sách hiện đã dôi ra trên 270.000 tỷ đồng, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế VAT.

Đặc biệt, nhờ chính sách này, giá cả hàng hóa dịch vụ của Việt Nam đã không tăng quá cao, chỉ số lạm phát giữ được ở mức khá tốt so với nhiều quốc gia khác. Chính sách này cũng góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đề xuất tiếp tục thực hiện trong năm 2023

Vì những lợi ích trên, chúng ta thấy rất dễ hiểu khi chính sách này đang được các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dự báo kinh tế năm tới khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kinh tế thế giới có khả năng đi vào suy thoái, và chắc chắn nền kinh tế mở của Việt Nam cũng sẽ chịu tác động không hề nhỏ.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn hai năm qua đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng khi trên thực tế có thể thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với thu ngân sách nhà nước được cải thiện do các doanh nghiệp phục hồi, đóng góp vào nguồn thu. Tuy nhiên, tình hình trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, do đó những gói hỗ trợ nào đã phát huy hiệu quả tốt và vẫn còn cần thiết nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng quan điểm, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá chính sách tài chính mà cụ thể là chính sách hỗ trợ thuế, phí được ban hành và thực thi một cách nhanh nhất, kịp thời nhất đã hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách giảm 2% thuế VAT với những mặt hàng có thuế suất 10%. Giảm thuế VAT làm giảm giá bán của hàng hoá trên thị trường, qua đó làm tăng sức chi tiêu, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất. Mặt khác, giảm thuế VAT làm giảm giá hàng hoá, làm giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách giảm thuế VAT có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là hoạt động giảm thuế VAT 2%, vì doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, lại đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn sắp tới.

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có những nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. Ban này đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: Chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19.12.2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...

Về những lo ngại với nguồn thu ngân sách, đại diện của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Tân cho biết Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước. Với thu ngân sách, sẽ rà soát lại các chính sách thuế đảm bảo công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Với chi ngân sách nhà nước, tiếp tục cơ cấu, tập trung chi cho an sinh xã hội và chi cho con người cũng như tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính- ngân sách nhà nước, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội.

(Theo VTV)

Các tin khác
Công nhân Đội Vệ sinh môi trường đô thị huyện Văn Yên vận hành lò đốt rác tại xã Đông Cuông. Ảnh T.L

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt phân đều tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bằng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa.

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.

Năm 2022, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của đại đa số các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu; các thị trường như: EU, Nhật Bản… thời gian qua suy giảm tương đối về sức mua.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Chiều 28/12, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Dự Hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành và trên 40 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Quang cảnh Hội nghị.

Đến nay, Yên Bái có 183 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 161 sản phẩm 3 sao, 22 sản phẩm 4 sao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục