Kiên định mục tiêu
Tại phiên họp cuối tuần qua, 100% thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đồng ý thông qua bản quy hoạch với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.
Yên Bái là một trong những địa phương thực hiện rất quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, khi cuối tháng 8/2022, bản dự thảo quy hoạch này mới ở bước hội thảo tham vấn. "Xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ”, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho hay.
Theo nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1421/QĐ-TTg ngày 17/9/2020, phấn đấu đến năm 2030, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa các dân tộc; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua phân tích, đánh giá hiện trạng, có thể nhận thấy 3 điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế của Yên Bái.
Thứ nhất là, kết cấu hạ tầng diện rộng chưa đồng bộ, liên kết giữa các huyện trong tỉnh chưa tốt; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đô thị còn hạn chế.
Thứ hai là, dân số ít, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tốc độ tăng trưởng dân số toàn tỉnh và dân số đô thị chậm.
Thứ ba là, địa hình đồi núi, một số khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Bên cạnh đó, cũng có 5 điểm mạnh cần khai thác để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó điểm mạnh thể hiện lợi thế cạnh tranh độc nhất của tỉnh so với các tỉnh trong vùng, đó là vị trí chiến lược trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc, trung điểm Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Do đó, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương châm phát triển kinh tế - xã hội Yên Bái nhanh, bền vững, theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và tận dụng những cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, tầm nhìn cho Quy hoạch đến năm 2050 đã được xác định. Theo đó, Yên Bái sẽ là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, nền kinh tế phát triển toàn diện, chất lượng sống của người dân ở mức khá.
Theo hướng này, Yên Bái sẽ duy trì môi trường sinh thái bền vững; thúc đẩy kinh tế phát triển đồng đều theo hướng gia tăng giá trị và năng suất; trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện; nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện ở mọi mặt, hình thành nên một cộng đồng đáng sống.
Quy hoạch xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.
Về kịch bản phát triển, tỉnh lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh, với tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 8,5%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%. Với kịch bản này, nhu cầu vốn đầu tư cần huy động khoảng 280.000 tỷ đồng.
Định hướng phát triển bền vững
Góp ý hoàn thiện bản quy hoạch, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với vị trí là trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sở hữu nhiều lợi thế, kịch bản tăng trưởng GRDP 8,5%/năm của Yên Bái là "an toàn”, do đó, tỉnh nên cân nhắc mức tăng trưởng thể hiện khát vọng vươn lên từ 9 đến 10%/năm, tức là cao hơn mức bình quân của vùng.
Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) 2021. Theo đó, Yên Bái xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố. TS. Cao Viết Sinh cho rằng, dù chỉ số này còn nhiều tranh cãi, song Yên Bái cần lưu ý để có định hướng, giải pháp phát triển bền vững trong tương lai.
Góp ý về phát triển bền vững dưới góc độ nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chính, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Yên Bái hiện tại và tương lai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Do vậy, trong quy hoạch tỉnh phải có một chương về định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
"Yên Bái cần phát triển đồng thời nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển nông nghiệp sinh thái trong quy hoạch nông nghiệp, tỉnh Yên Bái cần xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái”, ông Chính gợi mở.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Mạnh Lam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỉnh Yên Bái cần bổ sung giải pháp tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và thực hiện việc chuyển đổi số, áp dụng các công cụ quản lý môi trường, công cụ giám sát môi trường để có kế hoạch giám sát môi trường về sau.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và giai đoạn tiếp theo.
(Theo Đầu tư)