Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,03%, ghi nhận mức cao nhất giai đoạn 2011-2022, (vượt mục tiêu 6-6,5% do Quốc hội giao). Lạm phát đi ngược với lạm phát cao của toàn cầu, được kiểm soát ở mức thấp 3,15% (đạt mục tiêu Quốc hội giao dưới 4%).
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, đây chính là thắng lợi kép của nền kinh tế. "Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga – Ukraine… làm gia tăng rủi ro tài chính, thương mại và đầu tư thì đây là mức tăng trưởng ấn tượng”, bà Hương nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, cả 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế đều có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Tại khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khi đó, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tính chung cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021; lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… đã giúp giảm đáng kể áp lực lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Theo đánh giá của ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), con số tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay là rất ấn tượng trong xu thế diễn biến và tình hình kinh tế trong khu vực. Xét về chiều sâu, đáng chú ý là xuất nhập khẩu của Việt Nam rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khó khăn. Thu ngân sách cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận, và đó là dư địa quan trọng để thực hiện và hỗ trợ phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
"Nông nghiệp đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta hiện nay”, ông Hiếu nói.
Về đầu tư nước ngoài, ông Phan Đức Hiếu nhận định, con số đăng ký năm 2022 tuy chưa cao nhưng tỷ lệ giải ngân tốt. Năm nay vốn FDI đăng ký có giảm so với năm ngoái nhưng tốc độ và quy mô giải ngân lại rất lớn, vượt qua con số 20 tỷ USD.
"Số doanh nghiệp gia nhập mới vào thị trường và quay lại hoạt động cũng vượt quá 200.000, và đây là điểm nổi bật trong kết quả tăng trưởng nói chung”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Về cơ sở quan trọng để đạt được những kết quả trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đóng góp quan trọng đầu tiên là sự hợp tác của người dân với chính quyền và doanh nghiệp, đặc biệt trong suốt thời kỳ phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rất lớn. Doanh nghiệp chung tay với chính phủ, đóng góp trực tiếp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó là các nỗ lực quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương; có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để vượt qua khó khăn.
"Kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2022 là nhờ có sự đóng góp của cả 3 nhà: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Hiếu khẳng định.
(Theo VOV)