Đến thăm mô hình nuôi trâu, bò của anh Giàng A Hồng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, tôi được anh cho biết: "Qua tuyên truyền, định hướng của xã cũng như tìm hiểu trên báo, mạng xã hội, tôi nhận thấy, với lợi thế gia đình có đất đai rộng rãi, phù hợp cho phát triển chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu các dạng mô hình, tôi nhận thấy, với điều kiện khí hậu, trình độ lao động của gia đình thì chăn nuôi trâu, bò là phù hợp nhất. Bởi vì, trâu, bò ít dịch bệnh hơn so với lợn, gà cũng như đầu con ít, nên khi chữa trị, phòng dịch bệnh dễ hơn; thức ăn cho trâu, bò chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ trồng và rơm rạ nên chi phí thấp”.
Từ tư duy này, năm 2020, anh Hồng tận dụng diện tích đất trống gần trang trại trồng hơn 3 ha cỏ voi, vay thêm vốn để đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại quy mô nuôi 30 con/lứa và mua thêm 3 bò nái, 1 trâu nái nuôi cùng những con giống đã có trước. Năm 2022, sau khi xuất chuồng 4 con, hiện tổng đàn trâu, bò của anh Hồng vẫn còn 22 con, với 13 con bò và 9 con trâu.
Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải nhận xét: "Lao Chải là xã vùng cao, còn nhiều khó khăn về mọi mặt, người dân còn nghèo cả về vốn và kiến thức. Tuy nhiên, xã có lợi thế là đất đồi rộng rãi, nên phù hợp cho phát triển chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả. Bởi vậy, những mô hình chăn nuôi hàng hóa như anh Hồng, đã góp phần thay đổi tư duy của nhân dân trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, đây là mô hình điểm cho thanh niên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước hiện thực hóa khát vọng về lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình”.
Anh Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, có diện tích đất rộng gần 5 ha, trước đây chỉ trồng lúa nương và ngô, nên hiệu quả kinh tế thấp đã được anh chuyển sang trồng các giống cây ăn quả mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, vào năm 2015, khi có dự án trồng lê Đài Loan, anh Mạnh đã đăng ký giống về trồng.
Sau 6 năm cần mẫn chăm sóc theo đúng kỹ thuật cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn, năm 2022 đã có gần 1 ha lê cho thu hoạch trên 2 tấn quả, mang về nguồn thu hơn 50 triệu đồng giúp anh Mạnh có thêm động lực đầu tư cho vườn cây.
Ở xã Púng Luông, từ mô hình của anh Mùa A Mạnh, Mùa A Tòng, khiến nhiều hộ khác thêm tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng diện tích trồng lê Đài Loan, hồng giòn, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải còn hàng trăm mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt khác cũng đang khẳng định hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa với quy mô đàn duy trì thường xuyên từ 60 đến 80 con, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng của anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn; mô hình du lịch cộng đồng của anh Hảng A Dò ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn với 18 phòng nghỉ kết hợp phục vụ ăn uống, đưa khách đi trải nghiệm... cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn lai lợn rừng với quy mô từ 30 con trở lên của anh Giàng A Cheo ở bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Điều quan trọng là, hiệu ứng từ những mô hình kinh tế tư duy mới này, không chỉ giúp thay đổi đời sống vật chất của nhiều hộ, mà nó còn góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán canh tác của người dân trong phát triển kinh tế.
Nhờ đó, huyện Mù Cang Chải hiện có hàng trăm mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh cùng với sự nỗ lực của nhiều hộ dân, toàn huyện đã xây dựng mới 298 mô hình.
Về du lịch, hiện toàn huyện có 99 cơ sở lưu trú (homestay, nhà nghỉ) cùng nhiều mô hình trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu... góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 của huyện ước đạt 570,5 tỷ đồng; giảm hộ nghèo còn 6.344 hộ, nâng chỉ số hạnh phúc của người dân ước đạt 51,3%...
A Mua