Từ cuối năm 2021 đến nay, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm có tính chất kết nối vùng, liên vùng, xung quanh tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được khởi công xây dựng.
Đầu tiên phải kể đến tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2021, với chiều dài khoảng 53 km; điểm đầu tại nút giao IC 14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận huyện Văn Yên, Yên Bái), điểm cuối giao với quốc lộ 32 tại thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn. Khi hoàn thành, tuyến đường này rút ngắn thời gian đi từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) tới Hà Nội còn 3 giờ so với 4 giờ 30 phút như hiện nay.
Cùng đó, công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái - cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xây dựng, góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hai bên bờ sông Hồng tạo thành trục kết nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với quốc lộ 32C, quốc lộ 70 với đường Âu Cơ và kết nối với trung tâm thành phố Yên Bái.
Tiếp đến, ngay trong ngày đầu năm mới 2022, nhân dân các dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc vui mừng khôn xiết khi dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô đường cấp IV miền núi, có tổng chiều dài 69 km.
Điểm đầu tuyến thuộc địa phận xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Điểm cuối tuyến thuộc địa phận xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Công trình hoàn thành sẽ kết nối thị trấn Mù Cang Chải và các xã Chế Cu Nha, Nậm Có của huyện Mù Cang Chải, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phá thế độc đạo từ trung tâm tỉnh đi huyện Mù Cang Chải qua tuyến đường quốc lộ 32, đáp ứng niềm mong mỏi bao đời của người dân vùng cao nơi đây; mở ra những cơ hội mới cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cầu Cổ Phúc góp phần kết nối, hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực hai bên bờ sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên.
Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mù Cang Chải đi Hà Nội từ 7 - 8 tiếng xuống còn 4 - 5 tiếng và kết nối Mù Cang Chải với các tỉnh Đông Bắc Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất, đẩy mạnh giao thương, nhất là các sản phẩm nông sản đặc sản và thu hút đầu tư. Đặc biệt, tuyến đường sẽ tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải. Ngoài Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì tuyến đường còn đi qua đỉnh Lùng Cúng, thảo nguyên Tà Cu I, là điều kiện thuận lợi để những nơi này phát triển du lịch”.
Từ nguồn vốn vay Quỹ phát triển Ả - rập Xê - út, tỉnh cũng đã khởi công xây dựng đoạn tuyến nối xã Khánh Hòa (Lục Yên) với Văn Yên có tổng chiều dài 29,43 km, quy mô đường cấp V, tổng mức đầu tư trên 913 tỷ đồng.
Khi hoàn thành sẽ tạo thành trục giao thông quan trọng kết nối liên vùng; nâng cao khả năng vận tải, rút ngắn thời gian đi lại trong nội bộ khu vực, giữa khu vực với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như cửa khẩu Lào Cai, thủ đô Hà Nội; phá thế độc đạo do việc thiếu các tuyến đường ngang kết nối các tuyến đường tỉnh, quốc lộ 70 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Tiếp nữa là dự án đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) được đầu tư xây dựng có quy mô đường cấp IV với tổng chiều dài 43,5 km kết nối từ các huyện phía Tây sang phía Đông của tỉnh. Công trình có điểm đầu tuyến tại ngã 3 giao cắt với quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Gia Hội, huyện Văn Chấn và điểm cuối tuyến tại ngã 3 giao cắt với đường tỉnh 166 thuộc địa phận xã Đông An, huyện Văn Yên.
Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: tuyến đường sẽ giúp các xã vùng thượng huyện Văn Chấn nói riêng và các huyện, thị phía Tây của tỉnh nói chung tiếp cận hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn trong đi lại, phát triển giao thương với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các vùng miền trong khu vực, mở ra những cơ hội mới cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững của nhân dân các dân tộc thuộc xã Gia Hội, huyện Văn Chấn và các xã Đông An; Xuân Tầm; Phong Dụ Hạ; Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên trong những năm tới.
Từ tầm nhìn chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay, toàn tỉnh có 22 tuyến đường, công trình cầu có tính kết nối vùng, liên vùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã và đang triển khai đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện, đồng bộ mạng lưới giao thông của tỉnh.
Ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Các tuyến đường kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng vận tải, giảm bớt chi phí, thời gian đi lại giữa các khu vực trong tỉnh với đường cao tốc, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện sẽ đẩy mạnh liên kết các vùng, miền trong tỉnh, kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch, hạ tầng đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Đỗ Việt Bách, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các khu vực của tỉnh; đồng thời, gắn kết với mạng giao thông, vận tải quốc gia đặc biệt là kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Hùng Cường