Trên cánh đồng thôn Tranh Yên, xã Vĩnh Kiên tấp nập người ném mạ, gánh phân, bừa ngỡn để cấy lúa xuân cho kịp khung thời vụ tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ: "Gia đình tôi có 7 sào ruộng. Để đảm bảo thời vụ, từ cuối năm 2022, khi có lịch gieo cấy của huyện là tôi đã làm đất, nạo vét kênh mương, gieo mạ. Vì vậy, đến thời điểm này, 4 sào lúa cấy trước tết đã bắt đầu bén rễ và 3 sào còn lại sẽ hoàn thành ngay sau kỳ nghỉ tết".
Là xã vùng lúa trọng điểm của huyện, vụ xuân năm nay xã Vĩnh Kiên có kế hoạch gieo cấy 150 ha lúa với cơ cấu 60% là giống lúa lai, còn lại là giống lúa thuần chất lượng cao. Mặc dù thời điểm đầu vụ thời tiết rét đậm, song nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chu đáo nên bà con đã chủ động theo dõi thời tiết, che chắn nilon nên mạ đều phát triển tốt. Hiện, bà con đã cấy xong trên 70% diện tích.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo các thôn vận động bà con chủ động nạo vét kênh mương, phối hợp với Công ty Tân Phú để điều tiết nước hợp lý, phấn đấu hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa xuân trong khung thời vụ”.
Tại xã Phú Thịnh, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân cũng đang hối hả xuống đồng cấy lúa. Vụ xuân năm nay xã có kế hoạch gieo cấy 94 ha. Nhờ chủ động huy động nhân dân ra quân làm thủy lợi, tập huấn quy trình sản xuất lúa; đồng thời, vận động các đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn nhập thóc giống và phân bón đảm bảo chất lượng cung ứng cho bà con.
Cùng với chuẩn bị về đất, giống, bà con trong xã cũng độn ủ phân hữu cơ để bón lót. Đến nay, toàn xã đã cấy được trên 80% diện tích. Bà Chu Thị Uyển ở thôn Lem cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào lúa, thời tiết thuận lợi nên chúng tôi thực hiện cấy đổi công và hiện tại tôi đã cấy xong”.
Vụ xuân năm 2023, huyện Yên Bình gieo cấy 2.100 ha lúa; trong đó, có 1.000 ha trà sớm. Với quyết tâm giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các ngành trong khối nông nghiệp, các xã, thị trấn tập trung phổ biến lịch gieo cấy tới nông dân. Tăng cường cán bộ khuyến nông viên trực tiếp về cơ sở đồng hành hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo cấy, đặc biệt là các biện pháp giữ ấm cho mạ, cho lúa khi xảy ra rét đậm, rét hại. Đồng thời, chủ động cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng cho nông dân.
Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao để tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa giúp nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Để đảm bảo đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, các xã, thị trấn đã huy động hàng chục nghìn công lao động để tu sửa, nạo vét kênh mương và thực hiện điều tiết nước hợp lý.
Ông Phạm Thành Đạt - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: xác định đây là vụ sản xuất quan trọng trong năm, nên ngay từ khi có kế hoạch của huyện, Phòng đã phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích đất trồng lúa để xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết đến từng xã.
Tham mưu với UBND huyện đưa ra các giải pháp để giành vụ xuân thắng lợi; trong đó, chú trọng chỉ đạo bà con gieo cấy đúng trong khung thời vụ, phối hợp với Công ty Tân Phú điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất.
Phân công cán bộ hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh và trong quá trình chăm bón phải lưu ý thực hiện tốt phương châm bón đúng, bón đủ; thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đúng cách; tiếp tục áp dụng công nghệ kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bón phân viên dúi sâu, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất…
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, nên đến thời điểm này, nông dân huyện Yên Bình đã gieo cấy xong 1.000 ha lúa xuân sớm; diện tích còn lại đang được bà con khẩn trương cấy nốt và phấn đấu hoàn thành trước ngày 20/2. Cùng với cấy lúa xuân, bà con các xã đang tập trung trồng, chăm sóc cây màu vụ xuân và toàn huyện quyết tâm giành thắng lợi lớn trong sản xuất vụ xuân, góp phần hoàn thành chỉ tiêu sản xuất lương thực năm 2023.
Hồng Duyên