Nuôi cá tầm hướng đi mới của đồng bào Mông Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/2/2023 | 10:49:11 AM

YênBái - Tận dụng tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Nà Hẩu tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, nhất là về du lịch, nông nghiệp và dược liệu; trong đó, nuôi cá tầm thương phẩm đang là hướng đi mới của đồng bào Mông nơi đây.

Cá tầm thương phẩm của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Cá tầm thương phẩm của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.


Xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên có độ cao trung bình từ 600 - 700 m so với mặt biển; khí hậu ẩm ướt và lạnh với độ ẩm không khí bình quân năm khoảng 84 - 86%; nhiệt độ trung bình năm từ 22 - 23 độ C. Đặc biệt, Nà Hẩu được thiên nhiên ban tặng khu rừng nguyên sinh hàng nghìn héc-ta với nhiều khe suối, thác nước và có nhiều hang động dài, rộng, sâu.  

Tận dụng tiềm năng, lợi thế này, những năm qua, Nà Hẩu tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, nhất là về du lịch, nông nghiệp và dược liệu; trong đó, nuôi cá tầm thương phẩm đang là hướng đi mới của đồng bào Mông nơi đây.

Ông Giàng A Châu ở thôn Trung Tâm được biết đến là người đầu tiên mang giống cá tầm về đất Nà Hẩu nuôi. "Tháng 7/2017, tôi mua 100 con cá tầm ở Sa Pa về nuôi. Sau một năm thử nghiệm, cá tầm lớn nhanh, ít bệnh tật, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tiếp tục nhân rộng quy mô nuôi” - ông Châu cho biết. 

Còn với ông Mùa A Sử ở thôn Bản Tát, nhờ nuôi cá tầm mà cuộc sống của gia đình có nhiều khởi sắc. "Sau hơn 2 năm đầu tư nuôi cá tầm, sản lượng cá của gia đình đạt trên 2 tấn/năm. Trong quá trình nuôi, loại cá này rất phù hợp với nguồn nước chảy ra từ các khe suối trong rừng. Cá ít bị dịch bệnh và đặc biệt là cá tầm nuôi thương phẩm ở đây đảm bảo chất lượng tốt, nên được nhiều người tiêu thụ dù giá cao” - ông Sử chia sẻ.


Nhận thấy hiệu quả từ cá tầm mang lại, từ tháng 5/2019, HTX Nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu được chính thức thành lập. Các thành viên trong HTX đã đầu tư 8 lồng cá với trên 3.000 con cá giống. 

Theo anh Giàng A Di - công nhân kỹ thuật nuôi cá của HTX, muốn cá tầm phát triển nhanh, ít bệnh thì đáy ao, đáy bể nuôi phải được vệ sinh thường xuyên và nuôi theo tầng tránh lãng phí nguồn nước và thức ăn. Hơn nữa, để đưa cá tầm thương phẩm Nà Hẩu lên một tầm cao mới, Ban Giám đốc HTX đã liên kết với Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển Trường Đại học Hùng Vương thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm; kỹ năng quản trị HTX nhằm hạn chế rủi ro và hướng tới mở rộng tiêu thụ sản phẩm ổn định, quảng bá sản phẩm. 

Nhờ vậy, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã có 13 thành viên và là đơn vị sản xuất, kinh doanh mang lại giá kinh tế bền vững trong cộng đồng với 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xây xi măng cốt thép, quy mô nuôi 1 vạn con/lứa, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm và giá bán hiện đạt 260.000 đồng/kg, đầu ra sản phẩm ổn định; đồng thời, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động là người Mông ở địa phương. 

Đồng chí Vũ Xuân Bá - Bí thư Đảng ủy xã Nà Hẩu cho biết: nuôi cá tầm thương phẩm đang là hướng đi mới của đồng bào Mông nơi đây. Chính sản phẩm này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình để áp dụng nuôi cá tầm từ 200 - 3.000 con/lứa theo hướng hàng hóa bền vững; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp nhằm có đầu ra sản phẩm ổn định.

Với sự thành công ban đầu, HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu và người dân nuôi cá tầm ở đây đã biến vùng đất đầy khó khăn phải "nhả vàng”. Đặc biệt, khi lọt vào Top 3 Dự án Khởi nghiệp quốc gia năm 2022 do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tổ chức, sẽ là động lực quan trọng để đơn vị này tiếp tục liên kết với người dân mở rộng quy mô sản xuất theo phương châm liên kết "4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế, du lịch của Nà Hẩu nói riêng và của huyện Văn Yên nói chung. 

Văn Tuấn

Tags Nà Hẩu cá tầm Văn Yên triển vọng làm giàu

Các tin khác
Thương lái Trung Quốc đang thu mua cau non Việt Nam với giá cao. (Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tăng thu mua quả cau non của Việt Nam khiến loại quả này có giá lên đến 26.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu khan hiếm.

Công trường dự án cao tốc Bắc-Nam tại Phú Yên.

Phó Thủ tướng ký quyết định bổ sung dự toán chi 31.392 tỷ đồng cho 5 dự án của Bộ Giao thông vận tải từ vốn nước ngoài nguồn Ngân sách Trung ương năm 2022.

Người dân và doanh nghiệp đến Cục Thuế tỉnh làm thủ tục nhận thưởng “Hóa đơn may mắn” quý II và quý III năm 2022.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 4.192 doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân đang hoạt động và có đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), đạt 100% kế hoạch đề ra.

Ngay từ mùng 3 tết Nguyên đán Quý Mão, người dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình đã xuống đồng cấy lúa xuân cho kịp lịch thời vụ.

Những ngày đầu xuân Quý Mão, người dân các xã trong toàn huyện Yên Bình náo nức xuống đồng cấy lúa xuân với hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục