Yên Bái phát triển lâm nghiệp nhằm đảm bảo cân đối, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; thay đổi từ tư duy truyền thống sang tư duy quản trị; phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, suy thoái rừng; định hướng rõ nét, quan điểm lãnh chỉ đạo xuyên suốt cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, sự đồng lòng chung sức đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển rừng. Do vậy, ngoài việc làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR), người dân từ lấy chặt phá, khai thác tài nguyên rừng là chính đã chuyển sang BVR, trồng và tu bổ rừng.
Với hàng trăm ngàn héc - ta rừng, trong đó, có hàng chục ngàn héc - ta cây nguyên liệu lấy gỗ, quế sản xuất theo hướng hữu cơ, tre măng Bát độ hàng hóa, trồng rừng gỗ lớn được đầu tư, chăm sóc, bảo vệ, bà con các dân tộc trong tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế và không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu từ rừng. Nhờ đó, Yên Bái đã đạt tỷ lệ tàn che phủ rừng trên 63%, đứng thứ 4 cả nước; nhiều địa phương như: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên… đã đạt trên 70%.
Năm 2022 - một năm có nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương và nhân dân, sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản giành kết quả cao. Tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 5,59%; cơ cấu tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 22,57% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, đứng thứ 6/14 tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc bộ. Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ.
Toàn bộ diện tích rừng được quản lý bảo vệ tốt và đã giao quản lý BVR được 232.790 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất; trồng mới 15.861 ha, đạt 102,3% kế hoạch; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) 6.698 ha.
Trong năm 2022 toàn tỉnh cũng đã khai thác gỗ rừng trồng các loại đạt 757.423 m3/kế hoạch 750.000 m3, đạt 101% kế hoạch; khai thác 90.051 tấn tre, vầu nứa/kế hoạch 90.000 tấn, đạt 100,1%; ngoài ra, còn khai thác khoảng 659.000 ster củi; trên 85.000 tấn măng tươi các loại; trên 18.000 tấn vỏ quế khô; trên 87.000 tấn cành lá quế; trên 4.000 tấn quả sơn tra; 540 tấn thảo quả khô.
Riêng thu phí dịch vụ môi trường rừng đạt trên 116 tỷ đồng, bằng 121,7% so cùng kỳ và đã chi trả cho các tổ chức, cá nhân là chủ rừng 112 tỷ 495 triệu đồng. Những con số này cho thấy, lâm nghiệp đã, đang trở thành ngành kinh tế chủ lực và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được còn cho thấy, chất lượng rừng chưa tốt, năng suất chưa cao, hiệu quả kinh tế trên mỗi héc - ta canh tác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Yên Bái là tỉnh có diện tích tre măng Bát độ tương đối lớn, sản lượng măng đạt trên 85.000 tấn/năm; diện tích tre măng Bát độ toàn tỉnh đạt trên 5.000 ha. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, diện tích trồng tre măng Bát độ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh, nhất là huyện Trấn Yên.
Tuy nhiên, dù phát triển mạnh về diện tích, nhưng việc trồng, chăm sóc, thu hoạch bà con vẫn làm theo phương thức truyền thống là canh tác quảng canh, dẫn đến năng suất măng không ổn định, chất lượng măng suy giảm, gốc ít măng, măng nhỏ, đất đai cằn cỗi nên diện tích tre Bát độ trên địa bàn tỉnh sẽ sớm bị thoái hóa, làm giảm năng suất, ảnh hưởng lớn đến chất lượng măng trong tương lai gần. Nguyên nhân chính là không được đầu tư chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật.
Để phát huy hiệu quả trồng tre măng Bát độ, các địa phương, nông dân cần ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm nâng cao năng suất và phát triển bền vững tre măng Bát độ. Hoặc như việc trồng rừng nguyên liệu gỗ cũng vậy, quan trọng nhất là giống phải đảm bảo chất lượng. Tình trạng bán gỗ non, dẫn đến hiệu quả thấp, chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha sau chu kỳ 8 năm.
Trong khi đó, nếu chúng ta tỉa thưa, kinh doanh rừng gỗ lớn, sau 17 năm giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều (có thể gấp đôi, gấp ba). Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn An Hòa, xã Y Can, huyện Trấn Yên kinh doanh rừng gỗ lớn (gỗ keo), mỗi héc - ta sau chu kỳ 8 năm tỉa thưa để lại trên 100 cây, sau 17 năm mỗi héc - ta bán thu về 320 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm thu đạt 18 triệu đồng, cao gấp đôi so với chu kỳ kinh doanh thông thường.
Hay như gia đình anh Lý Văn Tài ở thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình kinh doanh 2 ha rừng gỗ lớn, sau chu kỳ 10 năm đã cho thu đạt 250 triệu đồng/ha. Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 500.000 m3, hình thành vùng trồng rừng gỗ lớn trên 40.000 ha, đưa tỷ lệ gỗ xẻ từ 30% hiện nay lên 60%...
Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm là tiền đề để lâm nghiệp phát triển và đưa Yên Bái trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025.
Thanh Phúc