Kinh tế tuần hoàn và cơ hội cho doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/2/2023 | 7:21:04 AM

Nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiện đang rất lớn và nhiều doanh nghiệp bền bỉ đi trên con đường này đã thu được những kết quả ngọt ngào. Bên cạnh lợi ích đối với nền kinh tế nói chung, chuyển đổi kinh tế tuyến tính sang KTTH sẽ mang lại lợi ích, giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Ảnh: Quang Vinh.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Ảnh: Quang Vinh.

Phó giáo sư Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH Đại học quốc gia TPHCM cho biết, KTTH đang được xem là công cụ, cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bởi việc phát triển kinh tế luôn đi kèm với những tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống con người. Do đó, các nước ngày càng quan tâm tới KTTH để tiến tới hài hòa giữa kinh tế và môi trường.

Giá trị bất ngờ

"Kinh tế có thể phát triển không nhanh như trước, nhưng các hệ lụy về môi trường sẽ không xảy ra và thậm chí có thể tạo ra những giá trị mới, trong đó có những giá trị tái sinh như tái sinh về môi trường, về con người, về văn hóa” - PGS Nguyễn Hồng Quân nói.

Ông Phạm Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình chia sẻ, ông đầu tư một khu đất ở vùng Tân Hồng để trồng lúa, loại lúa này không cần phân bón hay chăm chút khi canh tác, điều này làm giảm chi phí canh tác, giảm ô nhiễm cho đất… Lúa làm không phân bón, không thuốc bán giá cao hơn. Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ được dùng để trồng nấm rơm, thực phẩm nuôi bò; trấu dùng để ép viên nén xuất khẩu.

Cùng với đó, ông Thiện cũng làm dầu cám để xuất khẩu, lượng cám còn lại để làm thức ăn chăn nuôi. Còn các phụ phẩm của gạo như tấm, gạo gãy được dùng làm bột gạo. Bã bột gạo tiếp tục được dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Như vậy, trong hệ sinh thái của Công ty Thanh Bình, mọi thành phần, phụ phẩm từ cây lúa đều được tận dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác.

"Hiện các sản phẩm đều đang có sẵn thị trường và có sẵn nhu cầu. Trấu hiện rất tiềm năng cho xuất khẩu để làm chất đốt, dầu cám thì liên tục được các đối tác Nhật Bản hỏi mua, bã cám cũng được các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn thủy sản dùng rất nhiều… Như vậy, bên cạnh hạt gạo, những sản phẩm khác trong chuỗi giá trị cũng mang lại giá trị rất lớn” - ông Thiện nói.

Mô hình tuần hoàn của Công ty Thanh Bình còn mang lại sự tái sinh. Cụ thể, đất đai bị nhiễm hóa chất sau thời gian dài canh tác dựa vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu được "rửa độc”, sức khỏe con người cũng được cải thiện khi không còn phải tiếp xúc với hóa chất…

Tương tự Nestlé Việt Nam cũng đã thực hiện mô hình tuần hoàn sử dụng bã cà phê thành nguyên liệu sinh khối thay thế dầu đốt. Bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối thay cho nhiên liệu đốt để vận hành lò hơi; tro và cát thải lò hơi sau khi đốt dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung; bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; hơi nước được tái sử dụng cho tháp giải nhiệt; nước thải được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất và chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A.



Nhân rộng và thành công

Hiện nay, mô hình KTTH đang được nhân rộng. Phía cơ quan quản lý cũng đã đưa ra định hướng để phát triển, Chính phủ đã có Quyết định 687 ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển KTTH tại Việt Nam. Quyết định nêu rõ, răng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH; đẩy nhanh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Đến năm 2025 các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường. Đến năm 2030, các dự án KTTH trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo…

Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: KTTH là một cơ hội kinh tế cho các DN Việt Nam. Nền KTTH không chỉ đơn giản là khắc phục các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, mà đúng hơn, đó là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên, thứ mà con người, cộng đồng và nền kinh tế phụ thuộc vào. Nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền KTTH mang lại cơ hội kinh tế trị giá 4,5 nghìn tỷ USD hàng năm trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm.

Xu hướng tất yếu

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, mức độ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới chỉ đạt 63%, trong khi đó đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu mới đạt chưa tới 30%. Từ đó có thể thấy, dư địa để Việt Nam khai thác các FTA này còn rất lớn, đòi hỏi cần có chủ trương, lộ trình cụ thể phát triển KTTH.

Bên cạnh lợi ích đối với nền kinh tế, chuyển đổi kinh tế tuyến tính sang KTTH sẽ mang lại lợi ích cho DN, giúp DN sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà nhập khẩu hiện nay, bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh thì họ còn đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của DN sản xuất đối với yếu tố môi trường, tăng trưởng xanh… Nên phát triển KTTH không chỉ là hướng đi, là xu thế tất yếu của cả nền kinh tế mà còn là xu thế không thể đảo ngược của cộng đồng DN.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để phát triển KTTH nói chung và kinh doanh tuần hoàn nói riêng, một số giải pháp quan trọng cần tập trung trong giai đoạn tới gồm: Tăng cường nhận thức về KTTH, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển KTTH, kinh doanh tuần hoàn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các DN và xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ kinh doanh tuần hoàn của các DN, cũng như có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các DN theo ngành, lĩnh vực.

Về phía DN, để tận dụng được cơ hội cũng như hạn chế những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các DN cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao từng phân tích, để KTTH được thực thi như một chủ trương cấp quốc gia thì cần đặt nền tảng căn cơ, vững chãi, chứ không thể tùy khả năng từng cá nhân. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình này gồm khoa học - công nghệ, hạ tầng, chất lượng nhân lực, thể chế, quy chuẩn, chính sách. Các nhân tố này liên quan nhiều quy định về quản lý đất đai, tài chính, tài nguyên, nguồn nhân lực.

Về các bước đi, bà Hạnh cho rằng quan trọng hàng đầu là cần xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, ban hành các quy chế, tiêu chuẩn và đầu tư đúng mức cho con người liên quan đến KTTH.

Còn theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, vấn đề kinh tế xanh, tăng trưởng xanh được lồng ghép trong các thoả thuận hợp tác, liên kết quốc tế. Hiện nay, tăng trưởng xanh không chỉ là cam kết chính trị mà là đòi hỏi của thị trường phải xanh hơn, nhân văn hơn và câu chuyện xanh ngày càng phát triển hơn và nằm trong toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh của DN.

(Theo Đại đoàn kết)

Các tin khác

Chiều nay – 17/2, tại Hội trường Tỉnh uỷ, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chủ trì Hội nghị nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Agribank là ngân hàng đầu tiên công bố chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn.

Khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản gặp khó khăn sẽ được ngân hàng xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất, mức giảm tối đa 3%/năm.

Chợ Bến Đò mới được xây dựng khang trang tại thôn Xóm Soi, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Thành phố Yên Bái đang triển khai sắp xếp vị trí kinh doanh phù hợp với các ngành hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ kinh doanh, khách hàng thuận lợi giao thương tại chợ Bến Đò mới.

VTCA đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%. (Ảnh minh họa

Để giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hồi phục sau đại dịch, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng trong cả năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục