Nhiều dự án chậm tiến độ
Những ngày cuối tháng 2/2023, có mặt tại dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu), chúng tôi ghi nhận đoạn từ Km0 - Km15 đã thi công cơ bản hoàn thành, hay đoạn từ Km 23 - Km28, các nhà thầu đã thi công xong trên 90% mặt đường.
Tại những khu vực khác, các nhà thầu đang huy động máy móc san gạt mặt bằng cũng như thi công nền đường. Tuy nhiên, do địa hình địa chất phức tạp, mưa nhiều nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Lai - Giám đốc Công ty TNHH Nam Thái cho biết: "Do địa hình núi đá nên việc san gạt mặt bằng gặp nhiều khó khăn và mất thời gian. Thêm vào đó, việc vận chuyển, máy móc thi công cũng gặp nhiều trở ngại khi nhiều đoạn bị sụt sạt, cần thời gian để khắc phục”.
Được biết, dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu) được khởi công ngày 19/9/2020 với tổng mức đầu tư trên 438 tỷ đồng, quy mô đường cấp 6 miền núi, tổng chiều dài thiết kế 39,1 km; bề rộng nền đường 6 m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2023, dự án vẫn còn 0,3 km chưa có mặt bằng thi công (đoạn từ Km37 + 300 - Km 37 + 600); 105 hộ chưa phê duyệt bản đồ thu hồi đất; trong đó, xã Phình Hồ 80 hộ, xã Làng Nhì 2 hộ, xã Bản Mù 15 hộ, xã Hát Lừu 8 hộ.
Bên cạnh đó, trong số các gói thầu đang thi công thì hiện mới chỉ có gói thầu số 10 (Km 0 - Km15 + 433,15 m) đã thi công cơ bản hoàn thành 15,33 km/15,4km, đạt 91,9% giá trị khối lượng và dự ước hoàn thành thực tế trong tháng 3/2023 theo đúng hợp đồng.
Các gói thầu còn lại, nhất là gói thầu số 11 (Km 18 + 325,15 - Km 23 + 500), gói thầu số 13 (Km 33 + 573,2 - Km47+00) dù cam kết theo hợp đồng phải hoàn thành vào 30/3/2023, nhưng đến cuối tháng 2 mới chỉ đạt trên dưới 70% khối lượng thi công.
Cùng là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực nhưng sau hơn 1 năm khởi công, tiến độ của dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) (đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai) vẫn rất chậm, các gói thầu mới đạt trên dưới 2% khối lượng.
Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc trong GPMB. Đến ngày 23/2/2023, huyện Mù Cang Chải mới tổ chức kiểm kê được 141/207 hộ dân và xác định nguồn gốc được 45/141 hộ; đối với các hộ phải di dời nhà ở đã tổ chức kiểm kê xong 11/15 hộ.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (hàng đầu bên trái) kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Hay tại dự án nâng cấp quốc lộ 32C, đoạn Hiền Lương - thành phố Yên Bái do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí gần 642 tỷ đồng, chiều dài 16,32 km, được khởi công từ năm 2012. Sau khi thi công xong giai đoạn 1 từ km 79 - km 87, năm 2015, dự án bắt đầu triển khai giai đoạn 2 (đoạn từ Km 87 + 150 - Km 96 + 500).
Tuy nhiên, đến năm 2017, dự án lâm vào cảnh chậm tiến độ và bị dừng do thiếu nguồn vốn đền bù GPMB. Đến năm 2021, nhà thầu thi công trở lại nhưng cũng cầm chừng do vướng mắc đền bù GPMB. Đến nay, mới chỉ có 163/216 phê duyệt phương án đền bù; trong đó, có 122 hộ đã bàn giao mặt bằng, còn lại 42 hộ chưa thống nhất được phương án đền bù.
Theo ghi nhận, cùng với 3 dự án giao thông trọng điểm trên thì trên địa bàn tỉnh còn có nhiều công trình giao thông trọng điểm khác đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng như: đường nối thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái đoạn tuyến Khánh Hòa - Văn Yên... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên tiến độ thi công tại những dự án trên đều chậm so với kế hoạch.
Cần quyết liệt trong giải phóng mặt bằng
Qua tìm hiểu, ngoài những khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều thì giá vật liệu, nhiên liệu trên thị trường biến động lớn, làm ảnh hưởng đến giá thành công trình. Bên cạnh đó, địa hình phức tạp, nên khó khăn trong vận chuyển, di chuyển và tập kết máy móc, thiết bị, đặc biệt là vật liệu phục vụ thi công; địa chất nền đường dọc theo tuyến đường rời rạc, phức tạp; xuất hiện nhiều loại địa chất và thay đổi liên tục, không có tính ổn định dễ bị sói lở khi trời mưa; kết cấu mặt đường là bê tông xi măng có thời gian liên kết, hình thành cường độ chậm và phải bảo dưỡng sau thi công; ngoài ra, phải sử dụng nhân công nhiều nên không có điều kiện đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, những khó khăn, vướng mắc trong GPMB là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các công trình chậm tiến độ. Điển hình là tại dự án đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều diện tích rừng nằm trong phạm vi GPMB hiện nay nằm dưới tán rừng người dân đã trồng một số loại cây có giá trị kinh tế, chưa có cơ sở để lập phương án đền bù cho người dân; một số diện tích đất rừng phòng hộ chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; trong đơn giá đền bù ban hành tại Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh Yên Bái chưa có đơn giá đền bù một số loại cây đặc thù vùng cao.
Cùng đó, việc xác định giá đất, nguồn gốc sử dụng đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ không đáp ứng được tiến độ thực hiện nên không thể hoàn thiện phương án bồi thường trình thẩm định, phê duyệt. Hay tại dự án nâng cấp quốc lộ 32C, đoạn Hiền Lương - thành phố Yên Bái, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, vẫn chưa thể hoàn thành do những vướng mắc, khó khăn trong GPMB.
Nhiều đoạn tuyến thuộc dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu) gặp nhiều khó khăn trong công tác san gạt nền đường.
Không có mặt bằng thi công đang là trở ngại lớn nhất với các công trình giao thông mang tính động lực phát triển của tỉnh. Vì thế, để tháo gỡ "nút thắt” này, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp đi thị sát, kiểm tra thực địa, làm việc với các địa phương về nhiệm vụ đền bù GPMB cho các dự án giao thông.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thấy được lợi ích của việc phát triển đường giao thông để từ đó bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ghi nhận tại huyện Văn Yên - nơi có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai, dù khối lượng GPMB tương đối lớn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của huyện trong tuyên truyền, vận động, đôn đốc, kiểm tra nên tiến độ GPMB cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra.
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Đối với mỗi dự án giao thông trọng điểm khi được triển khai, UBND huyện đã tổ chức họp, triển khai với sự tham gia của các phòng, ban, đơn vị, địa phương có liên quan và giao nhiệm vụ cụ thể. Cùng đó, huyện phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức thông tin đầy đủ về dự án với toàn thể nhân dân; đồng thời, cung cấp đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các đề xuất, kiến nghị của người dân.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, đôn đốc cũng được triển khai, nên hiện nay, tiến độ GPMB cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra, các tuyến đường đều đang triển khai thi công đồng loạt.
Cùng với những chỉ đạo trong tháo gỡ khó khăn về GPMB, tỉnh cũng có những phương án, giải pháp cụ thể để hỗ trợ những địa phương. Hiện nay, tỉnh đã thành lập tổ công tác gồm cán bộ, chuyên viên các sở, ngành tăng cường đến hỗ trợ huyện Mù Cang Chải trong công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc, giá trị đất cũng như tuyên truyền, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ, đền bù của Nhà nước đến người dân để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các địa phương, đơn vị nhà thầu tổ chức kiểm kê, xác định giá đất, phương án đền bù; rà soát lại toàn bộ dự án, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung các hạng mục; đặc biệt, phải xây dựng tiến độ chi tiết từng tháng để kịp thời tháo gỡ, vướng mắc khó khăn.
Hùng Cường