Dự Chương trình có đồng chí Ngô Hạnh Phúc -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và gần 80 doanh nghiêp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn.
Trong quý I/2023, tỉnh Yên Bái tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách giai đoạn 2021 -2025 do Trung ương và tỉnh ban hành; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19 và các dịch bệnh khác, tạo điều kiện tốt để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh kịp thời cùng tinh thần đổi mới, chủ động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều khởi sắc.
Quý I/2023, toàn tỉnh có 76 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số toàn tỉnh lên trên 3.021 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 38.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 347,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 64,2% tổng thu cân đối trên địa bàn. Cộng đồng doanh nghiệp giải quyết, tạo việc làm cho 48.000 lao động với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Tại Chương trình, các doanh nghiệp, HTX cho rằng, bên cạnh sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, địa phương, các doanh nghiệp, HTX hiện vẫn còn gặp những khó khăn như việc khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại; việc tăng thuế suất một số mặt hàng xuất khẩu; giá nguyên vật liệu đầu vào có sự biến động tăng, nhất là chi phí vận chuyển.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi lạm phát ở một số nước nhập khẩu; thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Ý... yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao trong khi các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp, HTX đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị như: cần xử lý vấn nạn xe dù, xe ghép, bến cóc, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp vận tải; có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại do các ngân hàng siết chặt cho vay và lãi suất cao ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu nguyên vật liệu cho các công trình xây lắp, mặt bằng đất đai, việc thanh quyết toán tiền thuê đất đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình, xử lý việc đổ chất thải rắn xuống hồ Thác Bà…
Tại Chương trình, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng đã giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp và cam kết trong luôn đồng hành, hỗ trợ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để doanh nghiệp, HTX phát triển.
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc mong rằng thông qua hội nghị này và các diễn đàn khác, các doanh nghiệp phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc đến các cấp chính quyền; đề xuất tham góp thêm vào thực hiện nhiệm vụ chung phát triển kinh tế -xã hội.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục xem xét, giải quyết các kiến nghị còn tồn đọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX; đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí lưu ý, cần thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần tận tâm và bao quát nhất.
Văn Thông