Những khó khăn trong bảo vệ rừng ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Là tỉnh miền núi, hiện Yên Bái còn gần 359.000 ha đất có rừng. Thời gian qua Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; hạn chế được các vụ việc vi phạm lâm luật, người dân vùng cao dần ý thức được việc bảo vệ rừng là bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Tình trạng khai thác, chế biến, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép có giảm trên 100 vụ so với năm 2005; nhưng tình trạng cháy rừng và số vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng vẫn diễn ra với nhiều cấp độ khác nhau…

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, năm 2006 toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy rừng, thiệt hại 146,2 ha; có 697 vụ vi phạm lâm luật (vận chuyển trái phép 245 vụ, chế biến tàng trữ 348 vụ, vận chuyển động vật 9 vụ với 176,5kg thú rừng các loại…). Đặc thù của các huyện trong tỉnh như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn là nằm trong vùng ảnh hưởng của gió lào, thời tiết khô hanh, các thảm thực bì cạn kiệt nước rất dễ bắt lửa. Bên cạnh đó, tập quán đốt nương canh tác của một bộ phận đồng bào vùng cao vẫn còn phổ biến; một bộ phận người dân đi rừng không có ý thức khi sử dụng lửa, nên cháy rừng hàng năm xảy ra là điều dễ hiểu. Để ngăn chặn việc cháy rừng vào mùa khô, Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của tỉnh đã được thiết lập và đi vào hoạt động khá hiệu quả từ tỉnh đến cấp xã đã xây dựng hệ thống cảnh báo PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng những nơi xung yếu. Đài PTTH tỉnh và đài các huyện đã đưa bản tin cảnh báo cháy rừng trên sóng phát thanh, để đồng bào vùng cao cảnh giới và biết cách đề phòng. Theo chân các chiến sỹ kiểm lâm đến các cánh rừng ở xã Xà Hồ, Túc Đán (huyện Trạm Tấu), nhìn những đường mòn chi chít chạy từ những cánh rừng còn xanh ra mới thấy hết những khó khăn ở nơi này. Đồng chí Hà Văn Cường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Ngay từ tháng 10-2006, chúng tôi đã dốc toàn bộ lực lượng tới các xã để tuyên truyền, vận động đồng bào chủ yếu bằng tiếng Mông về cách chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức ký cam kết PCCCR đến các hộ dân trong thôn bản; yêu cầu đồng bào khi đốt nương phải báo địa điểm, theo thời gian qui ước; phải có đường ranh cản lửa tránh cháy lan ra khu vực khác. Nhưng các anh biết đấy, Trạm Tấu có trên 70% dân số là dân tộc Mông, hộ nghèo còn 2.600 hộ chiếm gần 71% tổng số hộ trong huyện, cách kiếm sống chủ yếu của một bộ phận đồng bào là lên rừng khai thác gỗ rừng đem bán, nên rất khó quản lý rừng.

Một trong những bức xúc của công tác bảo vệ rừng ở Yên Bái là việc buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản đang xảy ra ở mức báo động. Một bộ phận nhân dân sống quanh các khu vực có rừng, tranh thủ lúc nông nhàn đã lên rừng để lấy gỗ dựng nhà không xin phép các cấp có thẩm quyền hoặc đi tận thu gỗ pơ mu để bán cho các đầu nậu. Trong khâu lưu thông đã xảy ra tình trạng người có hàng hóa (gỗ chưa qua chế biến) chống đối người thi hành công vụ; một số khác lợi dụng chính sách qui định gỗ mua đấu giá không cần dấu búa kiểm lâm, nên đã mua thêm gỗ trôi nổi để vận chuyển trái phép. Gần tết Nguyên đán, tình trạng chống đối người thi hành công vụ lại tăng lên, tuy chưa xảy ra chết người nhưng đã gióng lên hồi chuông báo động tại nơi này. Điển hình là ngày 21/1/2007, xe ô tô biển kiểm soát 29M-8307 đã vận chuyển trái phép hơn 7,2m3 gỗ nhóm 2, khi đội kiểm lâm cơ động tỉnh ra tín hiệu dừng xe đã bỏ chạy, các chiến sỹ kiểm lâm đã rượt đuổi trên 3km xe mới chịu dừng, nhưng lái xe đã có hành vi thách thức lực lượng kiểm tra. Trước đó, ngày 17/12/2006 khi được tin báo của quần chúng nhân dân báo tại thôn Vực Tuần 1, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) đang có người thả trôi gỗ pơ mu theo suối Lao. Khi lực lượng kiểm lâm cơ động có mặt, những người vận chuyển trái phép gỗ lợi dụng đêm tối đã dùng đá ném chống trả quyết liệt, làm chiến sỹ Hoàng Văn Đức bị thương. Ở nhiều địa phương khác, khi kiểm lâm tiến hành kiểm tra theo qui trình, "lâm tặc" còn liều lĩnh xông vào cướp gỗ, cướp vũ khí, tổ chức đánh chông không cho xe chở tang vật về nơi tập kết; thậm chí ở thị xã Nghĩa Lộ có trường hợp còn kiện ngược lại người thi hành công vụ, vì "lâm tặc" cho rằng họ bị "oan". Tại xã Việt Hồng (Trấn Yên), trong nhiều tháng gần đây "lâm tặc" đã hoành hành chặt phá khu rừng đặc dụng.

Trong chuyến công tác cuối tháng 1/2007, tại thôn Làng Giàng xã Nậm Có (Mù Cang Chải), chúng tôi còn tận mắt chứng kiến đoàn người lên tới 40 người ngang nhiên vận chuyển gỗ pơ mu giữa ban ngày. Tại khu vực xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu tình trạng còn nghiêm trọng hơn, hiện trong khu vực này qua thống kê sơ bộ có trên 160 con ngựa chuyên được chủ cho đi thồ gỗ pơmu trái phép.

Trước tình trạng trên, quan điểm của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Hoàng Xuân Lộc trong cuộc họp về công tác PCCCR là khá kiên quyết: Nếu địa bàn huyện nào, xã nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép thì Chủ tịch UBND huyện, xã cùng kiểm lâm viên xã đó phải kiểm điểm xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành. Tỉnh yêu cầu các lực lượng chuyên trách ở cấp huyện mở các đợt kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi phá rừng thuộc địa phương mình quản lý. Rừng chỉ là vàng nếu biết trồng và bảo vệ tốt, điều này đồng nghĩa với việc tỉnh Yên Bái cần có đội ngũ kiểm lâm xã năng động và gắn bó với rừng hơn; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm quản lý rừng của UBND xã với cán bộ kiểm lâm địa bàn; dẹp bỏ ngay tình trạng có xã cho người "ngăn chặn" vận chuyển gỗ trái phép bằng cách đếm đầu gỗ thu tiền như ở một vài nơi đang xảy ra. Chỉ như vậy rừng Yên Bái mới xanh tươi và là điều kiện tiên quyết cho du lịch phát triển, góp phần đưa Yên Bái thoát khỏi tỉnh kém phát triển, vững bước đi lên cùng cộng đồng các tỉnh trong vùng Tây Bắc.

Thanh Sơn

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục