Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là "Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việc triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn của Trung ương một cách linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa phương đã tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện hoạt động tín dụng CSXH.
Có thể nói, Chỉ thị số 40 ra đời mang đến "luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả.
Điểm sáng ghi nhận trong thực hiện Chỉ thị số 40 ở Yên Bái là các cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nội dung trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.
Ngày 16/11/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đã chuyển từ hình thức tạm ứng có thời hạn sang hình thức không xác định thời hạn, tạo điều kiện NHCSXH chủ động hơn trong việc sử dụng vốn để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.179 tỷ đồng, tăng 2.456,5 tỷ đồng (tăng 143%) so với năm 2014.
Từ khi có Chỉ thị số 40, chính quyền địa phương đã quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách cao gấp 6 lần so với giai đoạn 2003 - 2013. Tỷ trọng nguồn vốn huy động tại địa phương tăng từ 0% lên 10,6% đã tạo điều kiện cho ngân hàng chủ động hơn trong việc giải ngân vốn vay.
Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Theo NHCSXH Chi nhánh tỉnh, giai đoạn 2014-2022, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp cho vay được 211.464 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với tổng doanh số 7.532,7 tỷ đồng, doanh số thu hồi nợ đạt 4.510 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách, 82.286 hộ đang vay vốn với tổng dư nợ 4.172,4 tỷ đồng; trong đó, riêng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 56,1% tổng dư nợ. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 86,5%, vốn đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội chiếm 13,5%.
Từ nguồn vốn này, giai đoạn 2014 - 2022, người dân đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 95.569 ha rừng, 5.226 ha chè, 1.408 ha cây ăn quả; mua 89.836 con trâu, bò; 120.680 con lợn; trên 200.000 con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 102.186 công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn; 3.427 em học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, hỗ trợ 2.908 hộ nghèo làm nhà ở, tạo thêm 14.014 việc làm mới cho người lao động, doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 4.310 tỷ đồng. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 4-5%.
Văn Thông