Hết năm 2022, Yên Bái có 434.120 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên trên 215.912 ha; rừng trồng trên 218.207 ha.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong BVPTR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Đặc biệt, với vai trò lực lượng nòng cốt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR tăng cường quản lý các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra rà soát thực hiện, truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến gỗ để quản lý lâm sản hợp pháp; chỉ đạo thanh tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, 5 tháng năm 2023, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra lập biên bản 24 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tịch thu 4,95 m khối gỗ các loại; tịch thu 1 máy xúc, 2 cưa xăng; phạt hành chính thu được 182 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để hạn chế cháy rừng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đốt nương, làm rẫy; chú trọng tuyên truyền quản lý canh tác nương rẫy; tăng cường phát các bản tin cảnh báo cháy rừng và các bản tin về bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác quản lý, BVR đã có chuyển biến tích cực khi số vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về BVPTR đã giảm đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh vẫn để xảy ra 3 vụ cháy rừng trên địa bàn các xã: Vĩnh Lạc, Khánh Hòa, huyện Lục Yên và xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, gây thiệt hại khoảng 44,88 ha rừng.
Đặc biệt, nhận thức của một số bộ phận người dân địa phương về công tác BVR còn thấp. Mặt khác, do nhu cầu đất để sản xuất nông lâm nghiệp của người dân ngày càng tăng cao nên tình trạng xâm lấn đất rừng để trồng sa nhân, quế vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương. Chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý, BVR; thiếu kiên quyết chỉ đạo các biện pháp BVR một cách thường xuyên, đồng bộ.
Vốn sự nghiệp thực hiện khoán BVR năm 2022 tại các xã ngoài khu vực II, III hiện vẫn chưa có kế hoạch phân bổ; năm 2023 chưa được cấp kinh phí dẫn tới khó khăn cho các địa phương, đơn vị cơ sở chủ động trong triển khai thực hiện khoán BVR tới các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia nhận khoán.
Những hạn chế trên đã gây nhiều khó khăn cho quản lý bảo vệ và PCCCR. Do đó, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân quản lý BVR; thực hiện tốt phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; nâng cao năng lực, phát huy vai trò của lực lượng kiểm lâm trong việc tham mưu giúp chính quyền địa phương để điều phối, huy động các lực lượng khác cùng tham gia BVPTR và PCCCR.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất rừng, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ tác hại của việc phát phá rừng, xâm lấn đất rừng; rà soát xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại cao để có biện pháp phòng ngừa; tổ chức lực lượng tuần tra rừng để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Cùng đó, các địa phương rà soát và đề nghị chuyển diện tích đất phòng hộ ít xung yếu chuyển thành đất sản xuất để thực hiện giao đất, giao rừng cho bà con có đất sản xuất.
Văn Thông