Gia đình bà Bùi Thị Nhung ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên có 2 ha quế bị sâu phá hoại. Dù đã tìm nhiều biện pháp phòng trừ song vẫn không kết quả. Bà Nhung xót xa: "Cứ lá non ra đến đâu là sâu ăn đến đấy. Năm nay là năm thứ 2 bị loại sâu này phá hoại, những năm trước sâu nó như con tằm; cây nào bị nặng quá thì sẽ chết, cây bị ít thì cũng còi cọc, chậm phát triển”.
Ông Trần Văn Chí (ở giữa) và bà Nhung được hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu hại quế.
Loài sâu hại quế tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên nhìn giống sâu đo.
Loại sâu này thường ăn búp quế non.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Trần Văn Chí ở thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông cũng ngậm ngùi: "Nhà có 5 ha giờ bị sâu mất một nửa, chủ yếu là cây quế to. Nếu không kịp thời phun, sâu sẽ ăn trụi lá, rồi cây sẽ chết”.
Còn anh Bùi Công Hoà, thôn Tân Cường, xã Quy Mông thì không khỏi lo lắng: "Bây giờ sâu hại quế nhiều quá, xã chỉ có một máy phun thì không xuể. Loại sâu này đã ăn thì rất hại, vòng đời sâu từ 29 – 35 ngày; khu vực này nó chỉ ăn trong vòng 1 tuần là hết”.
Tình trạng sâu hại quế đã xuất hiện trên địa bàn huyện Trấn Yên từ nhiều năm trước. Sâu thường phá hoại mạnh vào thời điểm tháng 5 đến tháng 7 khi quế ra lộc. Sâu hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng phát triển của cây và chất lượng vỏ quế. Để phòng trừ sâu hại, ngoài biện pháp phun thủ công, người dân còn thuê máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu hại quế từ trên cao.
Anh Bùi Công Hòa ở thôn Tân Cường, xã Quy Mông đang kiểm tra số lượng sâu hại trên cây quế.
Anh Bùi Văn Hiếu ở thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông - người đã phải thuê thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ diện tích quế của gia đình, cho biết: "Trong những năm qua, sâu ăn rất nhiều quế, bà con dùng biện pháp phun thủ công hiệu quả diệt sâu thấp, khi có máy phun thì cũng đạt hiệu quả, giá cũng không cao, phù hợp với bà con”.
Yên Bái hiện có trên 81.000 ha quế, tập trung chủ yếu ở hai huyện Trấn Yên và Văn Yên, trong đó có 38.100 ha là quế hữu cơ. Tình trạng sâu hại quế xuất hiện rải rác trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng trên 200 ha. Ngành chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình sâu hại và có những khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Người dân phải thuê thiết bị bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu hại quế.
Ông Phạm Đình Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: "Trước hết, các ngành chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân, các chủ vườn tập trung thăm đồng thường xuyên, phát hiện và có các biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong phòng trừ sử dụng tổng hòa các biện pháp sinh học, hóa học, biện pháp thủ công, bảo vệ thiên địch. Khi sâu hại có mật độ cao thì sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học để phun phòng trừ”.
Đến nay, tình trạng sâu hại quế đã cơ bản được khống chế. Ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn các chủ rừng quế cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ, tránh sâu hại phát tán diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quế, gây thiệt hại kinh tế cho nhân dân.
Mạnh Cường – Hoài Văn