Thời điểm này, hơn 1.400 lao động của Công ty TNHH Unico Global YB, tại Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái đang miệt mài làm việc để đáp ứng sản phẩm cho đơn hàng may mặc XK sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu và châu Mỹ.
Bà Lê Thị Hậu - Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính Công ty cho biết: "Những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, XK của Công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác, giảm tỷ lệ sản phẩm hư hỏng cùng với các chế độ đãi ngộ tốt để người lao động yên tâm làm việc giúp DN vẫn có đủ đơn hàng. Riêng 6 tháng đầu năm, DN sản xuất trên 354.432 sản phẩm, doanh thu tiêu thụ đạt trên 140,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu XK đạt trên 135,4 tỷ đồng. Để đáp ứng đơn hàng, chúng tôi đang có nhu cầu tuyển thêm 100 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn”.
Những tháng đầu năm 2023, các ngành hàng XK trên địa bàn đều gặp khó khăn do lạm phát một số nước nhập khẩu cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thương mại điện tử nhằm ổn định và phát triển thị trường nước ngoài truyền thống, hướng tới các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, giá trị XK tháng 7 ước đạt 29,6 triệu USD, giảm 1,33% so kế hoạch (30 triệu USD), tương đương 0,4 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so với tháng trước, kim ngạch XK trong tháng 7 vẫn tăng tăng 2%, tương đương 0,58 triệu USD và tăng 15% so cùng kỳ, tương đương 3,9 triệu USD; lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa của các DN trên địa bàn ước đạt 181,29 triệu USD, tăng 5,5% so cùng kỳ, tương đương 9,57 triệu USD. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh vẫn là nhóm hàng nông - lâm sản chế biến 47,3%, tăng 26,9% so cùng kỳ, tương đương 3,77 triệu USD.
Cụ thể là, mặt hàng gỗ XK của một số DN có doanh thu XK ổn định sang thị trường Mỹ. Những tín hiệu tích cực trong XK tháng 7 cho thấy, các DN đã nỗ lực trong phát triển thị trường, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, bên cạnh những nhóm hàng tăng trưởng tích cực thì vẫn có những nhóm hàng xuất khẩu đang hết sức khó khăn.
Trong đó, nhóm chế biến khoáng sản chiếm tỷ trong 25%, giảm 9% so cùng kỳ, tương đương 0,07 triệu USD, mặc dù qua số liệu hải quan, một số DN mới vẫn có giá trị XK nhưng không lớn, trong đó có Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam đã có đơn hàng XK trở lại sau gần 3 năm dừng XK và tăng so với tháng trước. Nhóm hàng may mặc chiếm tỷ trong 16,5%, giảm 10% so cùng kỳ, tương đương 0,5 triệu USD. Cùng với đó, nhóm hàng hạt nhựa chất dẻo cũng giảm 7% so cùng kỳ, tương đương 0,7 triệu USD.
Năm 2023, mục tiêu kim ngạch XK đề ra là 350 triệu USD. Hiện nay, lạm phát đã giảm ở một số thị trường trên thế giới, dự báo cơ hội cho XK hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh sẽ hồi phục trong những tháng tới đây và với sự chủ động, sẵn sàng của DN, các đơn hàng XK sẽ tiếp tục đáp ứng, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như gỗ và khoáng sản.
Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại; tập trung khai thác triệt để cơ hội XK vào các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động đàm phán để xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển; hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới; tiếp tục cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN phát triển cũng như đẩy mạnh XK. Cùng với đó, các DN, ngành hàng cũng phải nỗ lực hơn để nắm bắt cơ hội từ thị trường, tổ chức tốt và đáp ứng năng lực sản xuất, kinh doanh.
Văn Thông