Mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra để phát triển công nghệ sinh học là lớn và nhiều thách thức, đòi hỏi sự tăng tốc, đột phá về cơ chế chính sách, thu hút nhân lực chất lượng cao và một chiến lược dài hơi cho lĩnh vực này.
Công nghệ sinh học hiện hữu trên đồng ruộng của bà con nông dân
Tại Nam Định, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Nam Định đã chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ của các hộ nông dân sử dụng men vi sinh chủng EM trộn vào ngô, cám gạo, đậu tương và các loại thảo dược (đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả...) nâng cao sức đề kháng của đàn lợn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và tạo ra sản phẩm thịt lợn hữu cơ, có giá bán cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với giá thịt lợn nuôi đại trà.
Trong nuôi thủy sản, nhiều hộ nuôi sử dụng chế phẩm để loại bỏ ô nhiễm, khí độc trong ao tôm và xử lý bùn đáy, nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá... Một số hộ nông dân tại các xã, thị trấn: Nam Điền, Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu) ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm môi trường…
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay: "Nếu như trước đây, nhiều người thấy công nghệ sinh học có vẻ hàn lâm nhưng hiện nay, công nghệ sinh học đã hiện hữu trên chính những đồng ruộng, trang trại của bà con nông dân".
Thực tế cho thấy, người nông dân đã ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng, sản xuất hằng ngày như công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ lên men, vi sinh trong chế biến thức ăn, phòng trừ sâu bệnh… Không có thành tựu nào của ngành nông nghiệp là không có bóng dáng, nhiều khi mang "hơi thở quyết định" của công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng.
Trong thời gian qua, công nghệ sinh học được xác định là một trong 4 công nghệ trụ cột của cuộc cách mạng KHCN hiện đại, bên cạnh công nghệ thông tin, công nghệ năng lượng và công nghệ vật liệu.
Từ những năm 1990, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Ban Bí thư, Chính phủ được ban hành để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học.
Ngày 11/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/CP về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010, nhấn mạnh Việt Nam là một nước nhiệt đới có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, bảo đảm cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự phát triển công nghệ sinh học.
Tiếp đó, ngày 4/3/2005, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chỉ thị nêu rõ đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Gần đây, Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 30/1/2023.
Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Trao đổi với phóng viên báo chí, TS. Nguyễn Trung Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết: "Nghị quyết 36 đã mang đến một luồng gió mới, đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học đặc biệt là các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học".
Qua gần 20 năm phát triển, lĩnh vực công nghệ sinh học đã đạt được nhiều sự tiến bộ cả về đội ngũ nhân lực, các công trình công bố quốc tế, phát triển hệ thống mạng lưới các phòng thí nghiệm và nhiều ứng dụng của công nghệ sinh học trong đời sống kinh tế-xã hội như nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, chế biến, năng lượng, an ninh quốc phòng…
Đơn cử như trong nông nghiệp, Việt Nam đã chủ động sản xuất được hơn 70% giống cây trồng, vật nuôi, trong đó, công nghệ sinh học có nhiều đóng góp trong việc cải thiện và lai tạo giống cây trồng, góp phần giúp xây dựng ra nhiều kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn.
Ngành công nghệ sinh học đã đưa công nghệ lên men vào lĩnh vực sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm và trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, con người có thể chọn được những chủng vi sinh vật có khả năng lên men tốt, hỗ trợ đắc lực trong công nghệ sản xuất nước lên men, sữa, thực phẩm chức năng protein, chất làm tăng hương vị, chế biến rau củ quả...
Trong y học, có rất nhiều công trình nghiên cứu của công nghệ sinh học đã được ứng dụng vào lĩnh vực y học, đặc biệt là trong sản xuất các loại vaccine, kháng sinh, kháng thể, protein có hoạt tính sinh học và chẩn đoán bệnh...
Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ sinh học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa có chính sách đặc thù riêng, thiếu các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Về nguồn lực, đầu tư cho các phòng thí điểm trọng điểm về công nghệ sinh hoc còn khá ít và kinh phí cho đề tài nghiên cứu còn hạn chế, đặc biệt thiếu tính liên tục và dài hơn. Theo lý giải của TS. Nguyễn Trung Nam, từ một đề tài nghiên cứu đến ứng dụng cần khoảng 3 năm, 5 năm hoặc thậm chí dài hơn nữa. Tuy nhiên, việc cung cấp kinh phí hiện nay cho các đề tài thường là 3 năm.
Hơn nữa, về nhân lực, hiện nay, chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, đôi khi các trường đào tạo vẫn chưa sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.
Vai trò "bà đỡ" của Nhà nước
Nhận định về mục tiêu của Nghị quyết 36 là tầm nhìn đến năm 2045, công nghệ sinh học đóng góp 10-15% vào GDP, TS. Nguyễn Trung Nam cho rằng, nếu có những giải pháp thích hợp, với sự phát triển của công nghệ sinh học, sự nỗ lực của các nhà khoa học ngành công nghệ sinh học, chúng ta có khả năng đạt được.
Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa Nghị quyết số 36 như một số cơ chế mới để ưu tiên sự phát triển của công nghệ sinh học, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân lực vào các viện nghiên cứu đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các giải pháp liên quan đến kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học để có thể phát triển các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực tiễn một cách dễ dàng hơn.
Hơn nữa, bản thân công nghệ sinh học hiện nay đã có một số hướng nghiên cứu mới và có thể đem nguồn lợi kinh tế khá lớn trong tương lai. Đơn cử như hướng nghiên cứu về tế bào gốc và liệu pháp gen tại Viện Công nghệ sinh học. Ngoài ra, các hướng nghiên cứu liên quan đến sản xuất các loại vaccine thế hệ mới, các loại thuốc thế hệ, nguyên liệu làm thuốc và thực phẩm chức năng… cũng là một trong những thế mạnh của Việt Nam.
Còn theo GS. Trần Đức Viên, để ngành công nghệ sinh học Việt Nam "cất cánh", đầu tiên phải có cơ chế liên kết. Nhà nước cần tạo cơ chế để các trường, viện liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp, địa phương liên kết với địa phương, trong nước liên kết với nước ngoài để tạo thành hệ sinh thái, nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp để người đam mê khoa học được làm việc và cống hiến, đóng góp cho nền công nghệ sinh học nước nhà.
Các doanh nghiệp thường quan tâm, đầu tư vào các nghiên cứu ngắn hạn, có khả năng thương mại hóa cao. Do vậy, đối với các nghiên cứu mang tính dài hạn, dài hơi, vai trò "bà đỡ" của Nhà nước là rất quan trọng về mặt đầu tư.
GS. Trần Đức Viên cho rằng, không tiến bộ về mặt công nghệ nào trên thế giới mà không có vai trò "bà đỡ" của Nhà nước - đầu tư cả về con người, tài chính, thiết bị… Người Nhật trải qua khoảng 100 năm để tạo ra giống bò Wagyu hay còn được biết đến với tên gọi bò Kobe nổi tiếng thế giới. Hàn Quốc cũng mất khoảng 20 năm tạo ra giống bò Hanwoo. Còn nếu quy định đề tài 3 năm phải hoàn thành, có địa chỉ ứng dụng, nghiệm thu thì rất khó. Việt Nam cần phải có chương trình đầu tư dài hơn, chiến lược dài hạn đối với ngành công nghệ sinh học dựa trên lợi thế so sánh của Việt Nam.
Tại Yên Bái: Với vai trò nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao KHCN, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH &CN tỉnh Yên Bái đã áp dụng công nghệ sinh học xây dựng các mô hình sản xuất nấm và chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống nấm chất lượng cao cho các hộ dân trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Thay vì sử dụng mùn cưa hoặc các phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu trồng nấm Linh chi hay nấm lim xanh theo cách truyền thống, Trung tâm đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp sử dụng gỗ khúc tận dụng từ khai thác rừng trồng để nâng cao hiệu quả nuôi trồng nấm dược liệu.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đã có rất nhiều hộ, nhóm hộ sản xuất thành công các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi trồng nấm Linh chi do Sở KH&CN triển khai tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên với trên 10.200 bịch. Đây là mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng nấm Linh chi trên gỗ keo do Sở KH&CN đã phối hợp với xã Khánh Hòa thực hiện từ tháng 6/2022. Sở và địa phương chọn 4 hộ tham gia, hỗ trợ xây dựng lò sấy bịch nấm và các vật tư khác, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách trực tiếp nắm bắt, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện mô hình. |
Văn Tuấn (BT- chinhphu.vn)