Để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, Giám đốc Sở TN&MT đã ban hành 5 quyết định thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có 1 cuộc liên quan về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TN&MT; 2 cuộc kiểm tra, rà soát về hoạt động khai thác khoáng sản đối với 36 dự án khai thác, gồm: 1 cuộc kiểm tra đối với 2 đơn vị khoáng sản trên địa bàn huyện Lục Yên theo chỉ đạo của UBND tỉnh; 1 cuộc kiểm tra trực tiếp tại 5 dự án của 5 đơn vị và rà soát 29 dự án của 25 đơn vị khai thác quặng sắt, đồng, chì - kẽm và đất hiếm trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Sở cũng kiểm tra 2 cuộc đối với 14 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật lĩnh vực TN&MT.
Ngoài ra, Sở TN &MT đang tiếp tục hoàn thiện 2 cuộc kiểm tra từ kỳ trước chuyển sang, tiếp tục xử lý và tham mưu xử lý đối với các tổ chức có sai phạm về khai thác khoáng sản đá vôi trắng, đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong những tháng đầu năm 2023, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT kiểm tra toàn bộ các giấy phép do Bộ cấp, gồm 46 mỏ cấp của 40 doanh nghiệp, kịp thời chỉ ra các lỗi, vi phạm để các đơn vị điều chỉnh, khắc phục để từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động.
Quá trình thanh tra, kiểm tra, Sở đã phát hiện sai phạm, lập biên bản và tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 20 tổ chức trong lĩnh vực TN&MT với số tiền xử phạt 3,325 tỷ đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 148,5 triệu đồng. Tổng cộng mức tiền xử phạt gần 3,5 tỷ đồng.
Đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra trong 8 tháng đầu năm 2023, Sở TN&MT đã chấp hành nghiêm Luật Thanh tra năm 2010, Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường đều bị xử lý nghiêm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Đã kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm, không để phát sinh điểm nóng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh chia sẻ: "Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Sở gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, cán bộ thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đồng thời công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Do đặc thù công việc mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra phải đo đạc, lấy mẫu phân tích. Tuy nhiên, sau khi có kết quả phân tích mà doanh nghiệp không sai phạm thì Sở phải tự chi trả chi phí đo đạc, phân tích mẫu trong khi hiện nay chưa có nguồn kinh phí để phục vụ cho công việc này”.
Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều nội dung bất cập, rất khó thực hiện. Ví dụ như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gây ra theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 2, Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, việc xác định chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc chi phí trực tiếp để có được khối lượng khoáng sản khai thác trái phép không có cách tính cụ thể dẫn đến việc tính toán, xác định số lợi bất hợp pháp không đủ căn cứ để thực hiện được trong thực tế.
Ngoài nội dung xử lý các hành vi vi phạm, để làm tốt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, ông Cường cho biết, Sở đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể. Đó là, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 92-CTr/TU ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tăng cường yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã được cấp giấy phép nhưng hoạt động không hiệu quả, không tập trung nguồn lực để đưa mỏ vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương, nếu không có nhu cầu thì trả lại giấy phép hoặc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ cho đơn vị khác có năng lực thực hiện.
Về chính sách pháp luật, Sở đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về cách tính cụ thể, chi tiết đối với số lợi bất hợp pháp của việc khai thác khoáng sản vượt ra ngoài diện tích và vượt quá độ sâu được phép khai thác do thực hiện hành vi vi phạm, để thống nhất áp dụng trong toàn quốc.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị Bộ TN & MT thu hồi giấy phép đối với các dự án chậm tiến độ, chưa đưa mỏ vào khai thác; tăng cường công tác quản lý của các sở, ngành có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoảng sản đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở TN & MT tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm lĩnh vực tài nguyên môi trường. Tham mưu, đôn đốc, triển khai thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 92-CTr/TU; Nghị quyết số 50- NQ/TU ngày của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập trung thanh tra, kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc chấp hành các quy định của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
Tiếp tục triển khai cuộc kiểm tra đột xuất trong khai thác khoáng sản đối với quặng sắt, chì - kẽm, đất hiếm… theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy trong Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy. Quan tâm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý nhà nước lĩnh vực TN& MT đối với các địa phương cấp huyện.
Đức Toàn