Vụ mùa năm nay, xã Mường Lai gieo cấy 372,4 ha, với cơ cấu giống: 60% lúa lai, 40% lúa thuần; trong đó diện tích giống nếp (làm cốm) khoảng 18ha.
Tuy đầu vụ có một số diện tích gặp khó khăn về nước tưới do mưa ít, nắng nóng kéo dài xuất hiện một số sâu bệnh hại trên lúa như: đạo ôn, bạc lá, khô vằn, rầy... nhưng nhờ làm tốt công tác chăm sóc nên đến thời điểm này hầu hết diện lúa ở địa phương có vựa lúa lớn nhất huyện đang bước vào giai đoạn trỗ bông.
Bà Hoàng Thị Nguyệt thôn 8, xã Mường Lai chia sẻ: "Theo chỉ đạo của huyện, xã, vụ này, gia đình tôi trồng 6 sào, chủ yếu là các giống lúa Thiên ưu 8, Việt lai 20, và nếp các loại.Sau khi cấy xong, gia đình thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các loại sâu bệnh; đồng thời tăng cường phân hữu cơ, điều tiết nước hợp lý nên đến nay toàn bộ diện tích của gia đình đã trổ đòng và một số diện tích bắt đầu ngả chín”.
Ông Triệu Văn Thuộc - Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: "Để có một vụ mùa bội thu, xã chỉ đạo các thôn và phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện bám sát thực tiễn sản xuất, dự báo tình hình thời tiết, sâu bệnh, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất; có các phương án ứng phó cụ thể trước diễn biến phức tạp của thời tiết, sâu bệnh. Đặc biệt, ngay từ đầu vụ, xã chỉ đạo nhân dân tập trung chăm sóc mạ để có mạ khỏe, phân bón cân đối, bón sớm và tập trung với phương châm bón "nặng đầu, nhẹ cuối”; theo dõi tình hình sâu bệnh để có giải pháp phòng trừ, giảm phát sinh và gây hại cho lúa... Dự kiến, vụ mùa năm nay, năng suất lúa của Mường Lai tiếp tục đạt cao”.
Cũng như Mường Lai, người dân xã Minh Xuân đang tăng cường thăm đồng, duy trì nguồn nước, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại lúa. Ông Nguyễn Văn Thân, thôn Ngòi Vặc cho biết: "Vụ này gia đình tôi gieo cấy hơn 5 sào, chủ yếu là giống lúa Nhị ưu 838, Thụy Hương 308, Thiên ưu 8. Nhờ thực hiện gieo cấy đúng khung thời vụ, thường xuyên thăm đồng phát hiện các loại sâu bệnh, bón phân đúng quy trình, chu kỳ nên hiện lúa đang sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, dự kiến năng suất đạt trên 53 tạ/ha”.
Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, thời gian qua, xã Minh Xuân đã chỉ đạo bà con chủ động thực hiện đúng cơ cấu giống và khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp; đồng thời có các giải pháp để khắc phục trong sản xuất khi thời tiết diễn biến phức tạp; chú trọng phòng, chống sâu bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Ông Nguyễn Nguyên Đúng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân khẳng định: "Đầu vụ do nắng nhiều, mưa ít nên có một số diện bị hạn. Xã đã có giải pháp để điều tiết nước kịp thời; đồng thời tuyên truyền, chỉ đạo người dân thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình sâu bệnh; chủ động về giống, phân bón, tích cực phòng trừ sâu bệnh nên cây lúa sinh trưởng tốt, hầu hết lúa đã trổ bông, một số đã chín bói, dự kiến vào cuối tháng 9 này bà con bắt đầu thu hoạch”.
Vụ mùa 2023, toàn huyện Lục Yên gieo cấy 3.600 ha, trong đó lúa mùa sớm trên 1.000 ha (gắn với sản xuất ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa); cơ cấu: 40% lúa lai, 60% lúa thuần, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, như: Nhị ưu, Thái xuyên, BC15...
Bà Nguyễn Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Vụ mùa năm nay, Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền bà con nông dân chuẩn bị tốt giống, phân bón, đặc biệt là gieo cấy đúng khung thời vụ. Trong vụ, do thời tiết thất thường nắng mưa xen kẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh gây hại phát sinh, phát triển như: rầy nâu, khô vằn, bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ... với diện tích nhiễm trên 150ha. Phòng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống kịp thời. Đến nay, các trà lúa đang phát triển tốt, lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và trên 80% diện tích lúa đã trổ bông, một số diện tích trà sớm đã chín”.
Để phấn đấu năng suất 52 tạ/ha, sản lượng 18.720 tấn trong vụ mùa, UBND huyện Lục Yên tiếp tục chỉ đạo nhân dân tích cực chăm sóc; thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu bệnh, phòng trừ kịp thời, nhất là các loại sâu bệnh thường phát sinh gây hại trong vụ mùa như: rầy, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lá sinh lý...
Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, dự kiến vào ngày 25/9, người dân Lục Yên bắt đầu thu hoạch khoảng 1.000ha diện tích lúa trà sớm để đảm bảo diện tích đất trồng cây vụ đông, nhất là cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa.
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện Lục Yên, sự chủ động tích cực của người dân về giống, phân bón, nước tưới, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tin rằng, nông dân "đất Ngọc” sẽ tiếp tục có một vụ mùa bội thu.
Văn Tuấn