Sau gần 5 năm chính thức thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường các nước CPTPP thời gian qua tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam.
Tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP của các mặt hàng chủ lực tăng đáng kể
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,33% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 3021.
Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 nước CPTPP tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei. Với 3 thị trường mới có quan hệ FTA, dù Mexico và Peru ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm tương ứng 0,5% và 5,5% nhưng thị trường lớn nhất là Canada vẫn tăng tới gần 20,1%.
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2022 tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021. Cụ thể, thủy sản tăng 41,7%; giày dép tăng 51,7%; dệt may tăng 185,2%; cà phê tăng 140,1%; rau quả tăng 62,32%; hạt điều tăng 39,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%; máy móc và thiết bị tăng 152,3%...
Trong số các C/O mẫu CPTPP đã cấp cho hàng xuất khẩu đi các nước CPTPP, Canada và Mexico là 2 nước có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP nhiều nhất với mức tương ứng là 13,7% và 30,8%.
Cán cân thương mại đảo chiều sang xuất siêu
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ 8/10 nước CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng dương, nhất là các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam như: Australia tăng 27,3%; New Zealand tăng 12,42%; Nhật Bản tăng 2,5%.
Trong khi đó, nhập khẩu từ các nước CPTPP mới có quan hệ FTA như Canada và Peru có mức sụt giảm tương ứng là 6,4% và 5,9%. Tỷ trọng của các thị trường này trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cũng còn rất thấp, cụ thể Canada chiếm 0,2% (giảm so với năm 2021 là 0,23%), Mexico chiếm 0,15% (tăng so với năm 2021 là 0,15%) và Peru chiếm 0,02% (không thay đổi so với năm 2021).
Thặng dư thương mại từ các nước CPTTPP trong năm 2022 đạt 2,63 tỷ USD trong khi năm 2021 Việt Nam thâm hụt khoảng 74,5 triệu USD trong trao đổi thương mại với các nước CPTPP. Đặc biệt, thặng dư thương mại từ trao đổi thương mại với 3 nước mới có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru trong năm 2022 lên tới 11 tỷ USD, chiếm 94% tổng thặng dư thương mại năm 2022 của Việt Nam và tăng 6,7% so với năm 2021. Tuy nhiên, mặc dù các thị trường FTA mới có quan hệ FTA đem lại thặng dư thương mại lớn cho Việt Nam nhưng tỷ trọng các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn, cụ thể Canada chỉ chiếm 1,7%, Mexico chiếm 1,22% và Peru chiếm 0,14%.
Xét theo địa phương, Bộ Công Thương cho biết, trong số các tỉnh, thành có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu, có 52/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP, tăng 11 tỉnh so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại với các nước CPTPP lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Bình Phước, Bắc Ninh, Hà Nội và Thái Nguyên.
Các mặt hàng xuất khẩu nhiều từ các địa phương sang các nước CPTPP bao gồm: hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng...
FDI từ các nước CPTPP tăng cả về số dự án và vốn đầu tư
Về đầu tư, trong năm 2022, Việt Nam thu hút được khoảng gần 11,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư từ các nước CPTPP, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 577 dự án, tăng 77 dự án so với năm 2021. Các Thành viên CPTPP có tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là Singapore với 6,4 tỷ USD, Nhật Bản với 4,7 tỷ USD.
Về tăng vốn, có 3/10 nước CPTPP ghi nhận tăng vốn đầu tư, trong đó Nhật Bản là nước có mức độ tăng vốn đầu tư mạnh nhất (tăng 598 triệu USD và 4 dự án). Trong số các nước CPTPP có mức độ sụt giảm vốn đầu tư nhiều nhất năm 2022 là Singapore (giảm 3,8 triệu USD), Australia (giảm 31 triệu USD), Malaysia (13,9 triệu USD) và Canada (giảm 8,42 triệu USD)...
Những kết quả tích cực trong khai thác thị trường CPTPP thời gian qua là động lực giúp doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh chịu tác động từ biến động của kinh tế thế giới hiện nay, thúc đẩy hợp tác giao thương với khu vực thị trường CPTPP và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng CPTPP tốt hơn
Thời gian tới, bên cạnh các giải pháp về thể chế, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Hiệp định, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn CPTPP tiếp tục được chú trọng.
Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng hệ sinh thải tận dụng cơ hội từ các FTA nói chung, CPTPP nói riêng. Do nguồn lực có hạn nên dự kiến trước mắt mỗi tỉnh, thành tập trung xác định 1-2 lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực để xây dựng hệ sinh thái, nếu thành công sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác.
"Để hỗ trợ cho hệ sinh thái này, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cần kết nối chặt chẽ với nhau để xây dựng chính sách, các biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực được lựa chọn”, Bộ Công Thương đề xuất.
Bên cạnh đó, cần xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA. Bộ Công Thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể hơn với các ngân hàng thương mại để xây dựng nguồn tín dụng phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất để tận dụng cơ hội từ các FTA (có thể là các mức lãi suất ưu đãi phù hợp với cam kết quốc tế, điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn...).
Ngoài ra, cần chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các Tổ chức tín dụng quốc tế như IFC, WB, ADB hay các nguồn tài chính hợp pháp khác để tạo nguồn vốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới.
Đồng thời có chính sách tổng thể hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn nguyên liệu "nội khối” nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng FTA, trong đó có CPTPP.
Nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hướng tới xuất, nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
(Theo TCCT)