Ngay sau khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, Trung tâm đã thành lập Tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các hộ đã tham gia đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 đợt 1 năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ rà soát các mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 đợt 1. Qua kiểm tra, rà soát ban đầu từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4/2023 cho thấy, có 232 cơ sở, 9 tổ hợp tác trâu, bò đăng ký thực hiện đợt 1 năm 2023 đều đã được rà soát, kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, rà soát, 8/232 cơ sở đủ điều kiện nghiệm thu theo quy định nhưng không cơ sở nào có hồ sơ nộp gửi về Trung tâm và tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch giao. Bên cạnh đó, đã có sự thay đổi tên hộ tham gia hưởng chính sách hỗ trợ theo đăng ký ban đầu do các hộ không đủ điều kiện, bỏ không thực hiện hoặc đã được hưởng chính sách hỗ trợ của các chương trình trước.
Nhiều mô hình đăng ký nhưng không thực hiện hoặc không thực hiện được theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài ra, ở thời điểm kiểm tra, rà soát, hầu hết các cơ sở đã đăng ký đều chưa làm chuồng nuôi mới hoặc chưa cải tạo lại chuồng nuôi đảm bảo đủ các tiêu chí theo quy định và phù hợp với loại hình được hỗ trợ, cụ thể như có chuồng đủ diện tích nhưng chưa đầu tư mua con giống, có chuồng chưa phù hợp với loại hình chăn nuôi, thiếu diện tích, thiếu con giống...
Theo ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Vấn đề này gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đơn vị đã xác định rõ để có những giải pháp phù hợp, khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 69 của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn huyện trong năm 2023”.
Về khách quan, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là trên đàn lợn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, trong khi đầu ra cho sản phẩm giá cả không ổn định đã tác động đến tâm lý của người chăn nuôi nên một số hộ đã đăng ký nhưng lại không tiếp tục tham gia. Một số hộ thiếu lao động do thay đổi hướng phát triển kinh tế, ít vốn đầu tư cho chăn nuôi nên đã đăng ký nhưng cũng không thực hiện.
Ngoài ra, thị hiếu của người tiêu dùng đối với gà Mông chưa quen, màu sắc sản phẩm chưa hấp dẫn, cách chăn nuôi tập trung số lượng lớn cũng ảnh hưởng đến chất lượng thịt, khó tiêu thụ nên một số hộ đã đăng ký mô hình nuôi 300 con gà Mông rồi thay đổi, không tham gia hoặc muốn chuyển đổi nuôi giống khác.
Về chủ quan, đa số các mô hình đăng ký đều do các ban, ngành, đoàn thể xã vận động nhưng tại thời điểm đăng ký, nhiều cơ sở chưa được cán bộ phụ trách kiểm tra thực tế, chưa hướng dẫn cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật để đủ điều kiện nghiệm thu đến người dân được biết hoặc tư vấn thực hiện mô hình chưa phù hợp với khả năng, nhân lực, tài chính của hộ. Công tác phối hợp giữa UBND xã, ban, ngành, đoàn thể với cơ quan chuyên môn chưa thực sự quyết liệt ngay từ ban đầu khi có các hộ tham gia đăng ký.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện hồ sơ, giải ngân có thời điểm còn chậm. Trung tâm tiếp cận công việc mới, còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt tại thời điểm được giao đã cuối quý I nên tiến độ thực hiện công việc bị chậm hơn so với kế hoạch. Nhiều hộ chăn nuôi có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước khi đã được nghiệm thu và giải ngân không chủ động phát huy nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng mô hình, thậm chí có hộ quy mô còn thu hẹp.
Một số cơ sở duy trì mô hình chưa tốt cũng bị tác động bởi yếu tố dịch bệnh, giá cả thức ăn, đầu ra cho sản phẩm không ổn định… nên có tâm lý chán nản, hoang mang, không kiên trì đầu tư lâu dài. Trước tình hình thực tế, Trung tâm đã tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa UBND xã, ban, ngành, đoàn thể với cơ quan chuyên môn để vận động, hướng dẫn, tư vấn cho người dân tham gia thực hiện các cơ sở chăn nuôi hưởng chính sách hỗ trợ ngay từ khi đăng ký ban đầu.
Các hộ đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ cần ký cam kết thực hiện và duy trì mở rộng quy mô trong thời gian từ 3 năm trở lên. Đồng thời, tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người dân để tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa các loại vật nuôi chủ lực, nhất là thay đổi tư duy, đổi mới phương thức sản xuất từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ, tạo việc làm cho người cho lao động, nâng cao thu nhập và đời sống.
Quyết tâm và nỗ lực, đến thời điểm ngày 8/12/2023, Trung tâm đã hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân cho các cơ sở đăng ký thực hiện mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 trên địa bàn huyện: 275 cơ sở, đã giải ngân 5,603 tỷ đồng và 11 tổ hợp tác, đã giải ngân 828 triệu đồng, tổng 6,431 tỷ đồng. Đây chính là động lực quan trọng để Nghị quyết số 69 tiếp tục đi vào cuộc sống, thiết thực nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi huyện Văn Yên.
Nguyễn Thơm