Yên Bái: Nghị quyết 69 thúc đẩy chăn nuôi hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/3/2023 | 7:30:17 AM

YênBái - Việc thực hiện Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII (Nghị quyết 69) đã hỗ trợ phát triển chăn nuôi, góp phần rất lớn trong việc tăng đầu đàn, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và giá trị ngành chăn nuôi nói riêng; kịp thời giúp các hộ dân phần nào giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất.

Trong 2 năm, thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ và Nghị quyết số 05/2022/NQ của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi thương phẩm với tổng quy mô chăn nuôi trên 216.500 con gia cầm.  Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.
Trong 2 năm, thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ và Nghị quyết số 05/2022/NQ của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi thương phẩm với tổng quy mô chăn nuôi trên 216.500 con gia cầm. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó chăn nuôi duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2022, tổng đàn gia súc chính đạt 760.000 con, bằng 100% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 68.900 tấn, bằng 115% kế hoạch và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025 (61.000 tấn). Sản xuất chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Có được kết quả trên là do ngành nông nghiệp phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh, trong đó có Nghị quyết 69. 


Mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 tại huyện Trạm Tấu cho hiệu quả kinh tế cao. 

Để thực hiện Nghị quyết 69, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 01 ngày 19/2/2021 hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh một cách sâu rộng, bằng nhiều hình thức để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân nắm bắt, hưởng ứng, tham gia thực hiện. 

Trên cơ sở rà soát, thẩm định nhu cầu đăng ký của các địa phương, hàng năm, UBND tỉnh đã cân đối, phê duyệt phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời và phù hợp với điều kiện nguồn lực của tỉnh. 

Quá trình tổ chức thực hiện, các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực phối hợp đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách và giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn sản xuất. 

Qua đó, tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết 69. Đồng thời ban hành Hướng dẫn số 03 ngày 18/4/2022 hướng dẫn bổ sung các nội dung chính sách được sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở chỉ đạo thực hiện. 

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách một cách sâu rộng. 

Trong quá trình triển khai thực hiện thường xuyên kiểm tra, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở để tham mưu, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể như: thời điểm tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; cùng với đó là tình hình thế giới có nhiều biến động làm giá cả xăng dầu, vật tư thiết yếu tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, đặc biệt là vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai đưa chính sách đi vào cuộc sống. Một số quy định về điều kiện thú y trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi cũng đã gây ra những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Ngoài ra, còn một số khó khăn, vướng mắc khác về trình tự, thủ tục thực hiện chính sách… 

Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đã được ngành nông nghiệp cùng các cấp, các ngành quan tâm giải đáp và tham mưu cho UBND ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. 

Công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, vào cuộc; các nội dung, chính sách hỗ trợ đã được các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia. Do đó, công tác triển khai thực hiện chính sách từng bước đi vào nền nếp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực thi chủ trương, chính sách của tỉnh. 

Trong 2 năm, thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi thương phẩm với tổng quy mô chăn nuôi trên 216.500 con gia cầm; 3 dự án phát triển chăn nuôi lợn thịt quy mô vừa và lớn theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm với tổng quy mô chăn nuôi trên 1.500 con lợn thịt; 1.550 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa và 30 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, tương đương hỗ trợ trên 12.450 con lợn thịt, 5.820 con lợn nái, 8.764 con trâu, bò và 6.360 con dê; 675 cơ sở chăn nuôi theo hướng đặc sản, tương đương hỗ trợ trên 9.880 con lợn thịt nội, 1.482 con lợn nái nội, 54.300 con gia cầm đặc sản và hỗ trợ phối giống đạt 7.910 liều cho trâu, bò cái sinh sản; với tổng kinh phí thực hiện là 59,516  tỷ đồng. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Việc thực hiện Nghị quyết 69 đã hỗ trợ phát triển chăn nuôi, góp phần rất lớn trong việc tăng đầu đàn, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và giá trị ngành chăn nuôi nói riêng; kịp thời giúp các hộ dân phần nào giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất. 

Cơ chế hỗ trợ đòi hỏi mức đầu tư không quá cao phù hợp với đa số các hộ trên địa bàn, góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bước đầu hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tạo thêm việc làm thường xuyên cho mỗi dự án từ 1 - 2 lao động các mô hình đã có hiệu quả và nhân rộng như mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, mô hình chăn nuôi gia cầm có hiệu quả rất tốt”.

Năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu tổng đàn gia súc chính đạt 820.000 con; trong đó đàn trâu 98.700 con, bò 39.120 con, lợn 682.180 con; tổng đàn gia cầm 7.200.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 67.000 tấn. 

Để đạt được kết quả trên, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 69. 

Cụ thể tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận, tham gia và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chính sách, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chính sách. 

Làm tốt công tác rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ và phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tổng kết từ thực tiễn, làm cơ sở đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện chính sách đạt hiệu quả, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI HÀNG HÓA

Thực hiện Nghị quyết 69, thời gian qua, huyện Trấn Yên đã chú trọng tập trung khảo sát, hướng dẫn các địa phương khảo sát, lập danh sách các hộ dân đăng ký phát triển các mô hình chăn nuôi. 

Qua 2 năm, các mô hình chăn nuôi đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia đình ông Hoàng Văn Hùng, thôn 4, xã Việt Cường vốn là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi gia đình ông đăng ký chăn nuôi dê theo Nghị quyết 69, đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 30 con dê giống về nuôi, sau nghiệm thu được hỗ trợ 8 triệu đồng. Đến nay, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt. 

Ông Hùng cho biết: "Nhờ đồng vốn hỗ trợ, tôi đã tu sửa hệ thống chuồng trại để tập trung chăn nuôi mà kinh tế gia đình tăng lên đáng kể. Năm 2022, gia đình tôi đã bán được gần 10 con lấy tiền đầu tư thêm hệ thống chuồng trại chăn thả khép kín; đồng thời tiếp tục nhân đàn để mở rộng quy mô chăn nuôi tăng nguồn thu cho gia đình”. 


Lãnh đạo xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên kiểm tra mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 tại gia đình chị Triệu Thị Hạnh, thôn Vực Tròn. 

Cũng như ông Hùng, gia đình chị Triệu Thị Hạnh, thôn Vực Tròn, xã Lương Thịnh mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu bò, song cũng chỉ là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều nhất cũng chỉ 5 con trâu bò. Đầu năm 2022, chị tu sửa chuồng trại, đăng ký thực hiện mô hình nuôi 10 con trâu, bò theo Nghị quyết 69 để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Đến nay, chị đã xuất bán 6 con trâu, bò mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. 

Chị Hạnh cho biết: "Tôi được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng từ Nghị quyết 69 của tỉnh, kết hợp với nguồn vốn sẵn có nên đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau 2 năm, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, hiện tại gia đình tôi tập trung mở rộng quy mô chăn nuôi, thuê thêm diện tích đất trồng cỏ để phát triển chăn nuôi hàng hóa tạo thu nhập cho gia đình”.

Thực hiện Nghị quyết số 69, trong 2 năm qua, trên địa bàn xã Lương Thịnh đã được hỗ trợ gần 300 triệu đồng thực hiện 16 mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa, trong đó có 10 mô hình nuôi lợn, 6 mô hình nuôi trâu, bò. Trong năm 2023, xã đang tiếp tục đề nghị hỗ trợ thêm 5 mô hình phát triển chăn nuôi. 

Ông Lưu Việt Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết: "Nghị quyết 69 đã giúp thúc đẩy phát triển chăn nuôi của địa phương từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô tập trung theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, tổng đàn gia súc chính tăng dần qua các năm. Đến nay, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn xã có gần 18.000 con. Trong đó: đàn trâu 320 con, đàn bò 179 con, đàn lợn 17.000 con. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, giúp cho người dân trên địa bàn xã có thêm cơ hội mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao”.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 69 đã hỗ trợ, giải ngân cho 160 mô hình chăn nuôi với tổng kinh phí hỗ trợ  trên 4,8 tỷ đồng. Tổng đàn gia súc chính hết năm 2022 trên địa bàn huyện đạt trên 75.000 con, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 12.000 tấn, bằng 104,5% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ. 

Qua khảo sát thực tế, các cơ sở chăn nuôi và người dân phấn khởi khi các mức hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 69 rất cụ thể và chi tiết. Thực tế cho thấy, Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh từ khi được triển khai đã trở thành động lực, giúp hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện có thêm nguồn vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu  - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 69, đơn vị đã phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản, công văn hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn, người dân đăng ký; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết đến người dân; đôn đốc, hướng dẫn các hộ đăng ký mô hình, dự án chăn nuôi làm chuồng trại, mua con giống và nghiệm thu, giải ngân, hỗ trợ đảm bảo theo đúng đối tượng, định mức, phương thức, điều kiện hỗ trợ quy định”.

Quyết tâm tạo "bàn đạp” đánh thức tiềm năng sản xuất, chăn nuôi hàng hoá quy mô tập trung, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 69 đã giúp người chăn nuôi trên địa bàn huyện Trấn Yên giảm bớt khó khăn trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Từ đó, các hộ có điều kiện tái đầu tư cho sản xuất, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi không bị ngừng trệ sản xuất.

ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI HÀNG HÓA

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái:



Để Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả. 

Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chính sách. 

Đặc biệt cần làm tốt công tác rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ và phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và các địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ, kịp thời thẩm định, tổng hợp nhu cầu đề xuất hỗ trợ của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí đợt 1 trên 33 tỷ đồng.

Ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên:



Trong 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, huyện Văn Yên đã hỗ trợ cho nhân dân các xã xây dựng và phát triển được 602 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm với số kinh phí hỗ trợ gần 15 tỷ đồng. Các hộ được hỗ trợ đã đầu tư vào mua con giống, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, mua thức ăn, thuốc thú y… phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy đàn gia súc của huyện phát triển. 

Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh góp phần tích cực nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất trong chăn nuôi của huyện, tăng giá trị sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế của địa phương; chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ manh mún, sang sản xuất hàng hóa tập trung có sản lượng và chất lượng, đáp ứng với thị trường. Năm 2023, kế hoạch của huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho trên 300 cơ sở phát triển chăn nuôi đàn gia súc với số tiền trên 8 tỷ đồng. 

Để thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch năm 2023, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo khối các phòng, ban liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khảo sát, vận động nhân dân đăng ký sớm để tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả.

Ông Phan Đức Hiếu - Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Yên Bình:



Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 69, trên địa bàn xã đã có 7 mô hình được hỗ trợ với tổng kinh phí 480 triệu đồng để xây dựng chuồng trại theo quy chuẩn; được tập huấn kỹ thuật theo quy trình an toàn sinh học, khép kín; được hỗ trợ một phần mua con giống và cán bộ thú y giám sát dịch bệnh. 

Từ đó đã hình thành phương thức chăn nuôi mới với quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao nhận thức cho người dân trong chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần tích cực nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất trong chăn nuôi, tăng giá trị sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả, thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân…

Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Thôn Rẹ II, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn:



Gia đình tôi nuôi trâu, bò từ nhiều năm nay, tuy nhiên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả nhiều nơi; việc chăm sóc và quản lý đàn không được thường xuyên nên hiệu quả đem lại chưa cao. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, năm 2022, tôi được hỗ trợ 30 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi 10 con trâu bò. Đến nay, đàn trâu bò của gia đình tôi đã có 14 con. Tôi thấy chính sách này rất thiết thực với người chăn nuôi, đặc biệt là đối với bà con nông dân thiếu vốn để phát triển kinh tế, từ đó hạn chế được việc thả rông gia súc, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Chính sách hỗ trợ này thực sự là nguồn động viên rất lớn để người dân chúng tôi yên tâm, tin tưởng mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
 
Hồng Duyên - Thanh Tân

Tags Nghị quyết 69 chăn nuôi hàng hóa nông thôn mới chuỗi giá trị việc làm

Các tin khác
Cơ sở nuôi cá tầm mới đầu tư xây dựng của anh Nguyễn Đình Huyền ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng.

Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tận dụng tiềm năng sẵn có, vài năm gần đây, một số hộ đã phát triển các mô hình nuôi cá tầm và bước đầu đạt những thành công.

Bà Đinh Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quế Văn Yên (bên phải) tại cửa hàng quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm của HTX.

Đến với tỉnh Yên Bái, du khách bốn phương sẽ bắt gặp biểu tượng logo Quế Văn Yên ở khắp mọi nơi. Cây quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói, giảm nghèo bền vững, làm giàu, mà còn là "biểu tượng" kinh tế, văn hóa của tỉnh Yên Bái nói chung, của huyện Văn Yên nói riêng.

Đồng bào Mông xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải tạo các bể chứa nước ở đầu nguồn nước, gần ruộng để cho cá đẻ.

Ngày càng có nhiều đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải hình thành tập quán canh tác nuôi cá chép trên ruộng bậc thang sau mỗi mùa cấy mang lại hiệu quả kép.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục