Khuyến nông viên Văn Yên đồng hành cùng nhà nông

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/3/2024 | 1:49:23 PM

YênBái - Với thâm niên 20 năm công tác, chị Nguyễn Thị Trang - Tổ phó Tổ Khuyến nông, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã trải qua phụ trách địa bàn 6 xã gắn với những kỷ niệm, nhọc nhằn của một khuyến nông viên (KNV) cơ sở.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên kiểm tra mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Ngòi A.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên kiểm tra mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Ngòi A.


Nhớ lại cách đây 10 năm, khi đó còn phụ trách xã Viễn Sơn - một trong những xã xa xôi, khó khăn của huyện Văn Yên, chị không khỏi bồi hồi: "Hồi đó, hơn chục héc - ta của người Dao, khu vực Đá Trắng, thôn Tháp Cái 2 chỉ gieo cấy 1 vụ, rất hoang phí, trong khi nhiều hộ vẫn rơi vào tình cảnh đói giáp hạt. Trong bối cảnh đó, tôi đã bỏ tiền để mua ni-lon và hướng dẫn, tuyên truyền bà con ủ mạ, gieo cấy vụ xuân. Từ đó đến nay, người Dao ở Đá Trắng đã duy trì gieo cấy 2 vụ, chủ động được lương thực và phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên”. 

Hiện nay, dù không được giao phụ trách cơ sở nhưng chị Trang vẫn thường xuyên cùng các cán bộ khác trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, khảo sát, triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân.

Cũng là người gắn bó lâu năm với công tác khuyến nông, anh Nguyễn Văn Hinh, KNV cơ sở xã Chậu Quế Hạ đã đến những thôn xa xôi nhất của huyện Văn Yên để tuyên truyền, chuyển giao KHKT cho nông dân. "Cách đây 21 năm, tôi được phân công phụ trách xã Phong Dụ Thượng - một trong những xã khó khăn nhất của huyện. Do nhận thức của người dân còn hạn chế, nên việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, hồi đấy ngành nông nghiệp đang triển khai kỹ thuật gieo mạ khay. Ban đầu vận động, tuyên truyền người dân không làm theo, nhưng sau một thời gian, khi thấy sự tiện lợi từ kỹ thuật này, bà con đã đồng loạt áp dụng, triển khai” - anh Hinh cho biết. 

Những năm qua, cùng với chị Trang, anh Hinh, các KNV cơ sở huyện Văn Yên đã bám đồng, bám thôn đồng hành với nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh, tăng vụ... từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo thống kê, giai đoạn từ 2019 - 2023, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã mở 416 lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 18.700 người; tư vấn trực tiếp cho gần 6.900 lượt nông dân. 

Bên cạnh đó, Trung tâm xây dựng được nhiều mô hình, dự án nổi bật, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như: đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc, từ quy mô 1.000 ha/năm và nay nhân rộng lên 1.500 ha/năm; đề án bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của nhà máy sắn với chế phẩm men vi sinh Emic bón cho cây sắn, từ quy mô 1.330 ha, nay được mở rộng lên trên 2.000 ha; dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sắn gắn với canh tác bền vững trên đất dốc từ quy mô 280 ha nâng lên trên 1.000 ha, cho năng suất củ tươi đạt 47,5 tấn/ha, cao hơn 15 - 20 tấn so với năng suất giống sắn khác trồng tại địa phương...

Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Những năm qua, hệ thống khuyến nông được ổn định và ngày càng phát triển, nhất là mạng lưới KNV cơ sở có trình độ chuyên môn, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Đơn vị cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề và xây dựng các mô hình trình diễn... Nhờ đó, công tác khuyến nông có tác động tích cực và chuyển biến rõ nét đối với sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện”. 

Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp thủy sản năm 2023 đạt trên 2.798  tỷ đồng. Đạt được kết quả đó, có đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông viên cơ sở. Đến nay, huyện đã định hình vững chắc vùng cây ăn quả 880 ha; vùng quế 55.000 ha; trong đó, 25.000 ha quế được canh tác theo hướng hữu cơ; vùng lúa chất lượng cao 1.000 ha, vùng gỗ rừng trồng 6.000 ha, vùng sắn 4.000 ha, cây ăn quả có múi 220 ha; vùng trồng dâu nuôi tằm 300 ha; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường...  

Các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư vào các hoat động nuôi trồng, chế biến nông, lâm sản tạo thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông - lâm nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tại huyện Văn Yên đang từng bước phát triển, hình thành những sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà bước đầu đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.  

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục chỉ đạo hệ thống khuyến nông bám sát định hướng phát triển của tỉnh, huyện, các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương gắn với đề án xây dựng nông thôn mới của huyện; không ngừng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao phương pháp kỹ năng nghiệp vụ cho toàn bộ hệ thống; chủ động cập nhật, lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện của địa phương để đề xuất xây dựng, nhân rộng các mô hình trình diễn, chuyển giao nhân rộng cho nông dân; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn dịch vụ khuyến nông theo các hình thức phù hợp để đáp ứng các nhu cầu của nông dân và sự phát triển của nền kinh tế...

Hệ thống khuyến nông tuy có cơ cấu tổ chức thay đổi khác nhau ở một số thời điểm, nhưng mạng lưới KNV cơ sở ở huyện Văn Yên  đã và sẽ luôn là người đồng hành, gắn bó với nhà nông.

 Hùng Cường


Tags Văn Yên khuyến nông vùng quế vùng cây ăn quả

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục