Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3:

Yên Bái chung tay bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2024 | 9:45:06 AM

YênBái - Nước là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Đảm bảo an ninh nguồn nước, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, quan tâm công tác nước sạch trong trường học, chú trọng phân loại rác thải tại nguồn... là những giải pháp tỉnh Yên Bái đã thực hiện để bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước thời gian qua.

Nước sạch đến với đồng bào Mông ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Nước sạch đến với đồng bào Mông ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

CHÚ TRỌNG BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC

Nếu muốn biết tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống ra sao thì chỉ cần thử hình dung nếu cuộc sống này không có nước thì sẽ như thế nào… Có thể nhắc tới một sự kiện chưa xa, vào thời điểm đầu tháng 6/2023, lần đầu tiên trong lịch sử, hồ Thác Bà xuống mức cạn kỷ lục, gây rất nhiều xáo trộn lẫn khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của rất nhiều người. Điều đó cho thấy sự tác động sâu sắc, nghiêm trọng của quá trình biến đổi khí hậu cũng như đặt ra yêu cầu đối với công tác bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng trở nên cấp thiết.

Bám sát nhiệm vụ, tập trung thực hiện

Thực hiện Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về thực hiện Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 121-CTr/TU ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Yên Bái, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đã nghiêm túc, chủ động, tập trung triển khai, nỗ lực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã xác định được công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn với nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền.

Công tác tuyên truyền đã ngày càng đa dạng, phong phú, bằng nhiều hình thức và tới được với nhiều người hơn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Ở từng nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng như đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp tổng thể, sự tập trung và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân trong xã hội tạo nên hiệu quả chung của quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển 

Yên Bái trong năm 2023 đã chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ này đã được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện, đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đã chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đưa ra các giải pháp sử dụng, phát huy có hiệu quả từ hệ thống đập, hồ chứa nước trong việc điều hòa phân bổ nguồn nước trên cơ sở phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện và dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất để giảm thất thoát, lãng phí; tăng cường thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đưa ra các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm trong hoạt động sản xuất; đầu tư quy hoạch xây dựng các hồ chứa, bể chứa nước để cấp nước trữ nước trong quá trình hoạt động sản xuất đối với các đơn vị dùng nhiều nước và tái sử dụng nguồn nước. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện định kỳ quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nước dưới đất tại 30 điểm nước dưới đất phân bố tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và tất cả các huyện. Kết quả quan trắc định kỳ hằng năm cho thấy chất lượng nước trên địa bàn tỉnh là tương đối tốt. Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh triển khai Chương trình thoát nước và vệ sinh an toàn đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030. 

Có thể nói, hiệu quả và chất lượng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thể hiện và khẳng định rõ nét về ý thức chủ động, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được đề ra. Tập trung giải quyết, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế là Yên Bái tiếp tục quyết tâm, nỗ lực, chú trọng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước. 

9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

 (1)Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới;

 (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước;

 (3) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước;

 (4) Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội;

 (5) Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước;

 (6) Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu;

 (7) Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước;

 (8) Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;

 (9) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi với các bộ, ngành trung ương và phối hợp với các địa phương khác về đảm bảo an ninh nguồn nước.

 TIẾT KIỆM NƯỚC TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

 Trong bối cảnh chung hiện nay, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp không chỉ là yêu cầu về tiết kiệm nguồn nước nói chung mà còn là yêu cầu tự thân về tiết kiệm nguồn nước của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nói riêng.

 Gia đình ông Nguyễn Văn Đài ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái có mô hình trang trại tổng hợp rộng gần 6 ha. Trang trại gồm 500 gốc ổi, trên 100 con lợn thịt, 20 con lợn nái và trên 600 con gà, vịt. Thực hiện mô hình trang trại nông nghiệp tuần hoàn và khép kín, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, ông Đài luôn chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

 Ông Đài cho biết: "Thực hiện tưới nước tự động bằng hình thức tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp của gia đình, tôi nhận thấy có rất nhiều tiện lợi, vừa tiết kiệm được nguồn nước vừa giảm được công lao động so với tưới thủ công như trước đây”.

 Ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, có Hợp tác xã "Sáu không Farm” do anh Lục Vân Anh làm Giám đốc. Ngay từ giai đoạn đầu của hành trình khởi nghiệp, năm 2018, anh đã áp dụng hình thức tưới phun xoay cho rau trồng trong nhà lưới và chuyển sang tưới nhỏ giọt cho dưa lê trong nhà kính từ đầu năm 2020.

Đến nay, Hợp tác xã đã thực hiện phương pháp tưới nhỏ giọt đối với toàn bộ hệ thống trang trại trồng nho, rau củ quả. Phương pháp này đã thiết thực góp phần sử dụng tiết kiệm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp lại tăng hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm nhân công lao động và chi phí sản xuất thực tế của Hợp tác xã. 

Từ cuối năm 2017, anh Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã biết đến mô hình tưới nước thông minh cho vườn bưởi và tự đi tham quan 3 mô hình ở tỉnh Phú Thọ. Do công thuê lắp đặt tốn khá cao nên anh đã tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi trên mạng Internet để lắp đặt thành công hệ thống tưới nước thông minh cho 1,5 ha vườn bưởi của gia đình lúc đó và duy trì đến bây giờ. 

Hệ thống tưới nước thông minh cho vườn bưởi của hộ anh Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

Anh Định chia sẻ: "Tôi đã hoàn toàn thay trời làm mưa vào đúng thời điểm cây bưởi cần nước và cây bưởi cần bao nhiêu nước sẽ được đáp ứng đủ, không thiếu cũng không thừa. Thật sự tôi được giải phóng sức lao động, thuận tiện vô cùng, chưa kể còn hết sức chủ động và tiết kiệm thời gian bởi việc tưới nước thường tốn khá nhiều công. Thích nhất là ở bất cứ đâu cũng có thể tưới được”. Cũng từ năm 2015, huyện Trấn Yên đã có mô hình thực hiện Dự án "Ứng dụng hệ thống tưới phun mưa cố định và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng chè Bát Tiên tại xã Báo Đáp”. Đây là sản phẩm của đội ngũ khuyến nông viên phụ trách xã đã sáng tạo ra cách làm mới cho hệ thống tưới phun mưa bằng những đường ống nước nối dài khắp nương chè, có lắp đặt các van khóa tay và bể tưới. Hệ thống tưới phun mưa đã mang đến niềm vui, mang lại tiện ích, hiệu quả kinh tế thiết thực cho những người nông dân trồng chè. 

Nguồn nước không phải là vô tận, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương đều có ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp là góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá này. 

TẬP TRUNG THỰC HIỆN PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN 

Nước là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải sinh hoạt, vứt rác đúng nơi quy định đến người dân đảm bảo bảo vệ nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh. 

Dù đã được cơ quan chức năng cắm biển báo cấm đổ rác, nhưng các loại rác thải chưa được phân loại vẫn bị người dân sống xung quanh khu vực đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho vào túi nilon vứt xuống con suối gây mất vệ sinh, gây ô nhiễm nguồn nước và mỹ quan nơi đây. 

Theo một số người dân sinh sống tại khu vực này, vào các buổi chiều tối, đêm khuya hoặc rạng sáng, lúc vắng người, một số người dân thiếu ý thức mang rác đến vứt; do đó, lượng rác thải ở đây ngày càng nhiều lên. Những ngày thời tiết nắng nóng, rác bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường sống.

 Ngày 20/1/2024, UBND thành phố Yên Bái ban hành Quyết định số 5923/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phân loại rác tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn. Thực hiện Quyết định số 5923/QĐ-UBND của thành phố, phường Yên Thịnh đã khẩn trương triển khai tuyên truyền, quán triệt đến người dân sống xung quanh khu vực đường Nguyễn Đức Cảnh về việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác thải sinh hoạt được phân loại đúng vào nơi quy định, không vứt rác ra suối. 

Người dân phường Minh Tân, thành phố Yên Bái phân loại rác tại nguồn.

Gần 3 tháng trở lại đây, người dân đã không còn vứt rác ra suối cùng với đó là thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, bỏ rác vào xe rác thu gom đúng giờ hoặc vứt rác vào nơi quy định tại nơi công cộng. Con suối trên đoạn đường Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Yên Bái được các đoàn thể dọn dẹp, người dân đã nâng cao ý thức, không vứt rác bừa bãi nên con suối sạch hơn.

 Yên Bái có 2 hệ thống sông chính là sông Thao và sông Chảy. Đây là nguồn cung cấp nước mặt lớn cho tỉnh với khối lượng nước hàng chục tỷ mét khối mỗi năm, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 24.700 ha ao hồ, đập chứa nước, chủ yếu tập trung ở các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. Các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái, Minh Quân, huyện Trấn Yên, cung cấp với khối lượng tới hàng trăm triệu m3/năm.

 Trong đó, lớn nhất là hồ Thác Bà với diện tích mặt hồ 23.400 ha chiều dài 80 km chỗ rộng nhất 15 km, độ sâu lòng hồ khoảng từ 15 đến 34 m, tổng lượng nước trong hồ lên tới 2,9 tỷ m3. Ngoài ra, Yên Bái có nguồn nước ngầm đáng kể, nguồn nước ngầm và nước khoáng phân bố ở độ sâu 20 - 200 m dưới lòng đất. 

Tuy nhiên, nguồn nước ngầm phân bố không đồng đều trong các thành tạo địa chất khác nhau, mực nước ngầm thay đổi có nơi chỉ vài mét là có nước ngầm, có nơi thì mấy chục mét mới có. Hàng năm, có thể khai thác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân hàng chục nghìn mét khối, chủ yếu là hệ thống giếng khơi và giếng khoan. 

Nhìn chung, tài nguyên nước của Yên Bái rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm. Vì vậy, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt, nếu được khai thác sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, đời sống và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nguồn nước trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị ô nhiễm. Nước có nguy cơ bị ô nhiễm do rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do rác thải trong sinh hoạt, theo đó, rác thải sinh hoạt người dân không phân loại và vứt không đúng nơi quy định, người dân chôn lấp rác hay rác tồn đọng khi mưa xuống, nước rỉ rác theo nước mưa chảy tràn làm nhiễm bẩn nguồn nước mặt hoặc ngấm vào các mạch nước ngầm gây ô nhiễm. Biểu hiện ô nhiễm nước thường thấy nhất là nước có màu lạ, mùi lạ và xuất hiện váng, nổi bọt khí…

 Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tuổi thọ và năng suất làm việc của con người. Để bảo vệ nguồn nước, thời gian qua các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai linh hoạt các biện pháp, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. 

Rác thải sinh hoạt được chia thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ. Để thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, mỗi gia đình phải tự trang bị 2 thùng chứa chất thải sinh hoạt với dung tích trên 20 lít/thùng. Trong đó, thùng xanh sẽ chứa chất thải hữu cơ dễ phân huỷ và thùng vàng sẽ chứa chất thải rắn vô cơ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông để người dân vứt rác đúng nơi quy định.

Việc triển khai phân loại rác tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn tỉnh Yên Bái là tiền đề quan trọng để nhân rộng, giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, hình thành nếp sống văn minh trong cộng đồng, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật góp phần bảo vệ nguồn nước. 

QUAN TÂM CÔNG TÁC NƯỚC SẠCH TRONG TRƯỜNG HỌC 

Công tác đảm bảo nước sạch là tiêu chí quan trọng nhằm tăng cường chất lượng giáo dục, vì vậy, thời gian qua các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm, chủ động thực hiện tốt tiêu chí này. 

Nắm rõ được tầm quan trọng của nước sạch, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái rất chú trọng đến việc nâng cao ý thức của giáo viên, nhân viên, học sinh bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm nguồn nước; rèn học sinh không vứt rác bừa bãi… Bên cạnh đó, để giữ cho nguồn nước sinh hoạt ở trường luôn được sạch sẽ thì việc vệ sinh dụng cụ chứa nước; thau rửa bể ngầm, vệ sinh bồn chứa nước được diễn ra định kỳ. Nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra, bảo trì đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước. 

Bên cạnh vệ sinh nguồn nước, giải pháp bảo vệ nguồn nước đơn giản chính là hành động tiết kiệm, không lãng phí nước trong khi sinh hoạt hằng ngày như: mở vòi nước đủ dùng, dùng xong khóa vòi… cũng được nhà trường triển khai đến các em học sinh. Ngoài ra, Trường Tiểu học Kim Đồng cũng đã đầu tư hệ thống máy lọc nước sạch vào cuối năm 2021. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, trường luôn có kế hoạch bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ hằng tháng nên hiện tại máy lọc nước hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ nước sạch cho học sinh dùng hằng ngày. 


Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái được sử dụng nước sạch để uống từ máy lọc nước của nhà trường.

Em Trần Thanh Phong, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Em thấy nước từ máy lọc của nhà trường uống rất ngon, sạch sẽ, em không phải mang nước từ nhà đi để uống”. 

Năm 2019, Trường Mầm non Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên được bàn giao công trình nước sạch sinh hoạt của Dự án "Nước sạch học đường năm 2019”, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Quỹ "Vì cuộc sống tươi đẹp” của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam tài trợ với trị giá hơn 80 triệu đồng nhằm hỗ trợ cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho hơn 300 trẻ em và giáo viên nhà trường. Công trình nước sạch sinh hoạt được đưa vào sử dụng mang lại môi trường nuôi dạy tốt hơn, giúp các em học sinh khỏe mạnh, góp phần ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm có liên quan đến vấn đề nước cũng như giúp nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước sạch cho học sinh nhà trường. 

Cô giáo Phạm Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Dụ Hạ cho biết: "Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam đã giúp chúng tôi thực hiện được điều mà từ lâu cả trường đều mong ước, đó là có một nguồn nước sinh hoạt sạch, vệ sinh để các em an tâm sử dụng, phát triển thể chất khỏe mạnh”. Tại huyện Văn Yên hiện có tổng số 170 công trình nước sạch tại các nhà trường, trong đó công trình nước máy là 30, 29 công trình nước giếng khoan, 50 giếng đào và 61 nguồn nước tự chảy… 

Không chỉ các trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên mà hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện cung cấp nước sạch đảm bảo cho học sinh. Hiện nay, hầu hết các trường học, cơ sở giáo dục đều có công trình nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn; có công trình thu gom, xử lý rác thải và hệ thống cống rãnh tiêu, thoát nước. Toàn tỉnh có hơn 1.200 công trình nước sạch ở các trường học. 

Trong đó, có trên 200 công trình nước máy; gần 400 công trình nước giếng khoan; trên 500 công trình khác. Mặc dù, công tác đảm bảo nước sạch trong trường học ngày càng được quan tâm, các trường học từ cấp học mầm non đến phổ thông cơ bản đều có công trình nước sạch, tuy nhiên, nhiều công trình nước sạch xuống cấp; có trường, điểm trường chưa có công trình nước sạch cho học sinh, nhất là các trường, điểm trường ở các xã, huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh… 

Có thể khẳng định, nước sạch và vệ sinh môi trường là yếu tố rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến chất lượng các mặt giáo dục. Bởi vậy, thời gian tới cùng với việc đầu tư, sửa chữa, cải tạo theo danh mục phê duyệt hằng năm, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh cần tích cực tiếp tuc tổ chức phát động phong trào "Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp”; làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong trường học; xây dựng cũng như quán triệt thực hiện nội quy, quy chế quản lý, sử dụng và bảo quản các công trình nước sạch đúng cách. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền quy chế, phương thức sử dụng công trình nước sạch nhằm phát huy tốt giá trị, chức năng của công trình nước sạch và đặc biệt chú trọng tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, không lãng phí nước trong trường học.

 Nguyễn Thơm - Thu Hiền

Các tin khác
Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giá vàng SJC vẫn cao ở mức kỷ lục 85,2 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 28/4, giá vàng SJC vẫn giữ ở mức kỷ lục 83 - 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới niêm yết ở mức 2.337,4 USD/oz.

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục