Kinh tế đi lên nhờ Chương trình 135
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước khi đến xã Xuân Long, huyện Yên Bình, tôi đã được nghe những người từng đến đây kể rằng, Xuân Long là xã vùng 135 nghèo và buồn lắm... tôi đã tưởng tượng ra một Xuân Long đìu hiu, xơ xác. Nhưng, đi rồi mới thấy, Xuân Long không như tôi tưởng tượng và có lẽ những điều mà mọi người kể đã trở thành quá khứ rồi!
Trồng lạc ở Xuân Long.
|
Tâm sự với các anh Hoàng Quang Vinh, Thang Quang Tinh là những lãnh đạo Đảng ủy xã về những gì nghe được trước khi đến đây, hai anh cười và bảo rằng: "Cách đây 6 đến 7 năm thì đúng như vậy ! Xã Xuân Long là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, có diện tích tự nhiên trên 7.780 ha nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ có gần 390 ha, đất lâm nghiệp 6.750 ha. Cơ sở hạ tầng yếu kém, "điện, đường, trường, trạm" xuống cấp nghiêm trọng.
Chúng tôi muốn làm gì thì chỉ huy động sức dân thôi vì không có vốn nên các công trình tự làm chỉ được 1 đến 2 năm là lại hỏng. Trong lĩnh vực kinh tế thì chăn nuôi ít, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chủ yếu độc canh cây lúa, thu nhập thấp nên có đến trên 50% hộ đói nghèo...". Nghe anh Vinh tâm sự chúng tôi muốn tìm hiểu lý do làm thế nào mà Xuân Long thay đổi nhanh thế ? Được biết, Đảng bộ và chính quyền xã đã đề ra nhiều giải pháp tích cực cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực trồng rừng, huy động mọi nguồn lực để "xốc" nền kinh tế đi lên, nhưng vẫn không lay chuyển được cái nghèo bởi xuất phát điểm thấp. Nhưng trong cái khó khăn ấy, thật may năm 2001 các dự án của chương trình 135 về với người dân Xuân Long.
Để đồng vốn sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả, cùng với việc tuyên truyền rõ mục đích của đồng vốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Long đã họp bàn xác định rõ những công việc trọng tâm trên cơ sở dân chủ, bàn bạc công khai. Nhận thấy, trước đây dân đói nghèo cũng chỉ do thiếu nước, có nơi còn bỏ ruộng không cày cấy vì không có nước. Vì vậy, ưu tiên trước hết của xã là đầu tư làm các công trình thủy lợi để cung cấp đủ nước tưới cho đồng ruộng.
Từ nguồn vốn của dự án, xã đã làm được 4 công trình thuỷ lợi lớn như: công trình Ngòi Lắng cung cấp nước tưới cho 7 thôn và một số thôn của xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, công trình Ngòi Bé, công trình Khuẩy Luông, công trình Tuần Quế với tổng số vốn gần 5 tỷ đồng. Khi đã ổn định lương thực rồi thì tiến đến làm đường giao thông với tổng số tiền đầu tư gần 2 tỷ đồng, đến nay hệ thống giao thông liên thôn bản đã hoàn chỉnh, xe công nông đã vào đến các thôn bản giúp cho việc giao thương hàng hoá được thuận tiện hơn.
Nhờ nguồn vốn 135, xã còn đầu tư xây dựng trạm y tế và các trường học trên địa bàn... Đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân trong xã bàn đến cách phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Là một xã thuần nông, Xuân Long luôn quan tâm đến việc tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Ruộng nước được cấy hết, năng suất đạt từ 45 đến 50 tạ/ha, tích cực phát triển cây vụ 3; chú trọng đến chăn nuôi đại gia súc và gia cầm. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm mà 2 năm trở lại đây trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra. Đàn gia súc phát triển tốt với đàn trâu có 1.298 con, đàn bò 460 con, đàn lợn 3.265 con và hàng nghìn con gia cầm. Với lợi thế xã có nguồn đất lâm nghiệp lớn, xã tuyên truyền vận động bà con tham gia trồng rừng. Đi đầu trong phong trào là lãnh đạo xã và đội ngũ đảng viên như: ông Hoàng Hợi - Chủ tịch UBND xã trồng trên 10 ha keo lai, ông Hoàng Minh Xuân - Phó chủ tịch UBND xã trồng gần 7 ha chủ yếu là keo và bạch đàn mô, ngoài ra ông còn trồng chung với các hộ khác 20 ha và hiện nay vẫn đang tiếp tục trồng.
Với những gì mà người dân Xuân Long đã làm được từ khi có Chương trình 135, có thể khẳng định: Chương trình 135 đã làm thay đổi diện mạo nơi vùng quê này. Cuộc sống của 3.785 người dân trong xã đang ngày càng ấm no và vươn lên làm giàu. Bình quân lương thực đầu người đạt 350kg/năm, thu nhập đạt 4,5 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Anh Thang Quang Tinh tâm sự: "Năm 2006 vừa qua Xuân Long có một niềm vui lớn là cơ bản ra khỏi Chương trình 135. Chương trình 135 đã làm đòn bẩy cho xã phát triển, đến nay chỉ còn 35 hộ dân thuộc thôn 11 nằm trong vùng 135, chúng tôi phấn đấu năm 2010 xã hoàn toàn ra khỏi vùng 135".
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Để mở rộng diện tích cây màu nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác theo chủ trương của UBND huyện, vụ xuân năm 2007, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên phối hợp với Công ty Vạn Đạt, tỉnh Hải Dương, đưa vào trồng thử nghiệm gần 1 ha giống đậu đũa Đài Loan xuất khẩu ở các thôn: Đồng Đình, Phú Nhuận, Nước Mát xã Âu Lâu với trên 60 hộ dân tham gia.
YBĐT - Thành phố Yên Bái có 11 phường, xã, song chỉ 4 xã gồm Minh Bảo, Tân Thịnh, Tuy Lộc và Nam Cường được phép nuôi gia cầm và thủy cầm với tổng đàn lên tới trên 45.000 con.
YBĐT - Trồng rừng kinh tế được bà con Mường Lò làm từ nhiều năm, song trồng một cách nghiêm túc thì mới hơn một năm nay. Một trong những mục tiêu được huyện Văn Chấn đánh giá là thành công nhất trong năm 2006 là trồng rừng kinh tế vùng ven lòng chảo Mường Lò.
YBĐT - Vụ chiêm xuân 2006-2007, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên phối hợp với Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển triển khai thí điểm mô hình sử dụng phân đa yếu tố NPK chuyên dùng đối với cây lúa do Công ty sản xuất.