Làng Mảnh là một bản nhỏ với 53 hộ dân nằm lọt thỏm giữa núi rừng hiểm trở. Nơi đây dường như vẫn còn ngủ quên giữa những rặng núi, nơi ánh sáng điện lưới vẫn chưa đến. Trong số đó có 34 hộ thuộc diện nghèo. Vượt qua không chỉ con đường đất gập ghềnh quanh co mà cả cơn bão số 3 vừa qua đã để lại những con dốc lầy lội, nguy hiểm nhưng người dân Làng Mảnh vẫn kiên cường bám bản, bám đất, nuôi dưỡng giấc mơ thay đổi cuộc sống.
Con đường đến Làng Mảnh không dài, nhưng địa hình đặc biệt khó khăn. Những con dốc nối nhau, những đoạn đường ngoằn ngoèo qua núi đá. Vào mùa mưa, đất sạt lở khiến con đường trở nên bất ổn và hiểm nguy hơn bao giờ hết. Nhưng đó cũng là con đường nối Làng Mảnh với thế giới bên ngoài, là con đường mà người dân đi về để trao đổi hàng hóa, nhận nguồn trợ giúp và ấp ủ những hy vọng mới. Giữa tình cảnh khó khăn, Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ cùng các đảng viên của bản đã đưa ra một quyết định quan trọng: khởi động lại việc xây dựng con đường.
Anh Hờ A Trừ chia sẻ: "Mình và Chi ủy Chi bộ quyết tâm làm lại con đường này. Mình sẽ cùng các đảng viên gương mẫu đi đầu, chặt cây, nhường đất, rồi vận động bà con cùng tham gia”.
Từ lời nói đến hành động, anh cùng các đảng viên trong bản đã tiên phong chặt cây, dọn dẹp những chướng ngại vật và sẵn sàng hiến một phần đất đai của gia đình mình để mở rộng đường. Công việc không hề đơn giản, nhưng quyết tâm của ông Hờ A Trừ và các đảng viên đã lan tỏa đến từng người dân trong bản. Từ những hộ gia đình trẻ đến các cụ già trong bản, tất cả đều chung tay đóng góp sức lực và thời gian. "Nhà mình không có nhiều tiền nhưng mình có sức lực thì mình góp sức. Người có đất nhường đất, người có công bỏ công, ai ai cũng muốn làm cho bản mình đỡ khổ hơn” - đảng viên trẻ Hờ A Sở chia sẻ.
Không chỉ dựa vào sức người, công việc tái thiết con đường còn nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Với sự quyên góp từ những tấm lòng thiện nguyện, người dân bản đã có thể thuê máy xúc để dọn dẹp, san lấp các đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng. Những chiếc máy xúc lớn nhỏ lầm lũi tiến vào bản, xẻ núi, bạt đồi, tạo nên những con đường tạm thời, giúp bà con dễ dàng đi lại và vận chuyển vật liệu xây dựng. Không dừng lại ở đó, người dân bản Làng Mảnh còn tổ chức các đội tự quản, ngày đêm thay nhau túc trực để đảm bảo an toàn cho các đoạn đường vừa được san lấp. Công việc kè đá, gia cố bờ kè tại những đoạn suối nguy hiểm được triển khai song song.
"Chúng tôi huy động người dân đào tay, kè xếp đá qua khe suối, dẫu có vất vả nhưng ai cũng vui vì biết rằng con đường này là tương lai của bản” - anh Hờ A Trừ nói thêm.
Không ai có thể quên hình ảnh những buổi sáng tinh mơ, người dân bản tụ họp ở đầu làng, cùng nhau mang cuốc, xẻng và lương thực lên núi. Những cặp mắt ánh lên niềm hy vọng, những bàn tay chai sạn nhưng tràn đầy quyết tâm. Từ thanh niên trai tráng đến các chị em phụ nữ, tất cả đều góp sức trong từng công đoạn.
Ông Giàng Rủ Câu, một trong những đảng viên lớn tuổi nhất của bản, chia sẻ: "Cả đời tôi đã sống ở đây, biết bao mùa mưa bão đã qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bà con đoàn kết như bây giờ. Người già không thể làm nặng thì lo cơm nước, thanh niên khỏe thì ra làm việc. Cứ thế, chúng tôi cùng nhau làm lại con đường, từng bước từng bước.”
Hình ảnh người dân Làng Mảnh cần mẫn sắp xếp từng viên đá, vun từng thúng đất để gia cố các bờ kè bên suối đã trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của tình làng nghĩa xóm. Những đoạn đường mới dần được hình thành dù còn sơ khai, nhưng nó là kết quả của sự đồng lòng, sự hy sinh của cả một cộng đồng.
Trong quá trình xây dựng, không ít những thách thức đã đến với người dân bản. Mưa lũ thường xuyên xảy ra, nhiều lần cuốn trôi những gì mà người dân đã nỗ lực tạo dựng. Mỗi lần như vậy, họ lại phải bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, không ai bỏ cuộc. "Mỗi lần mưa lớn, chúng tôi lại lo đường bị cuốn trôi, nhưng mọi người động viên nhau cố gắng. Khó khăn nào cũng sẽ qua nếu mình đồng lòng,” chị Sùng Thị Mùa, một người dân tham gia công việc kè đá, tâm sự.
Bản Làng Mảnh không có đủ điều kiện như nhiều nơi khác nhưng họ có một tài sản vô giá: tinh thần đoàn kết và quyết tâm vượt qua khó khăn. Bên cạnh sự hỗ trợ của máy móc, những đôi tay của người dân vẫn là lực lượng chính, xắn tay áo dựng lại từng đoạn đường, từng khúc kè. Cái giá của sự nỗ lực ấy là những vết xước, những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán nhưng đổi lại là con đường nối liền mạch sống của cả bản. Dù con đường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng người dân Làng Mảnh đã bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi. Những chuyến xe hàng đã có thể lăn bánh vào sâu hơn trong bản, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng từ bên ngoài.
Trẻ em không còn phải lội qua những con suối nguy hiểm để đến trường mỗi ngày. "Con đường này không chỉ là con đường giao thông mà là con đường của hy vọng, của tương lai cho bản làng mình. Nó sẽ giúp bà con mình đi lại dễ dàng hơn, buôn bán thuận lợi hơn và nhất là không còn bị cô lập mỗi mùa mưa bão” - ông Hờ A Trừ xúc động bộc bạch. Con đường mới mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho bản Làng Mảnh. Với đường sá thuận lợi, bà con có thể đưa nông sản ra ngoài, kết nối với các thị trường lân cận, cải thiện đời sống kinh tế. Những gia đình nghèo khó giờ đây có thêm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt đi phần nào những lo lắng về giao thông cách trở.
Câu chuyện về người dân bản Làng Mảnh và hành trình tái thiết con đường sau bão số 3 là một minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết, của tinh thần vượt khó. Trong khó khăn, người dân Làng Mảnh đã không buông tay mà cùng nhau tạo nên những điều kỳ diệu từ chính đôi bàn tay và tấm lòng của mình. Bản Làng Mảnh không chỉ làm lại một con đường mà còn đang xây dựng một tương lai mới, mở ra con đường dẫn đến sự phát triển bền vững. Những nỗ lực của họ đã và đang lan tỏa, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cộng đồng khác để cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người dân Làng Mảnh vẫn từng ngày gắn bó với núi rừng, vẫn hy vọng, vẫn lạc quan. Chính những nụ cười ấy, ánh mắt ấy đã thắp lên niềm tin rằng rồi đây, con đường đến Làng Mảnh sẽ rộng mở hơn, bóng tối sẽ dần lùi xa và Làng Mảnh sẽ có những bước đột phá trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đưa bản làng tiến gần hơn với nhịp sống mới.
Anh Dũng