Chè và cam - con đường thoát nghèo của Minh An
- Cập nhật: Thứ năm, 21/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong số 8 xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn thì Minh An là xã nghèo nhất, nguyên nhân đói nghèo thì có nhiều như: Trình độ dân trí thấp, vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nhất là 6 thôn người Dao. Điều kiện tự nhiên cũng không thuận lợi, tổng diện tích tự nhiên toàn xã lên tới 1112 ha nhưng chủ yếu là đất rừng, đồi núi cao, độ dốc lớn, đất nông nghiệp có thể gieo cấy lúa chỉ có 37,8 ha.
Giống quýt lửa được nhiều hộ nông dân ở Văn Chấn trồng cho thu nhập cao.
|
Làm gì để Minh An đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo? Đó là câu hỏi lớn, là sự quan tâm của cả huyện và Đảng bộ, chính quyền xã Minh An. Sự quan tâm ấy đã được thể hiện bằng những hành động cụ thể trong công tác lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Phùng Xuân Phúc - Chủ tịch UBND xã cho biết: Minh An không có nhiều ruộng và chủ yếu là ruộng dộc nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo bà con đầu tư thâm canh bằng cách sử dụng giống tốt, cấy đúng lịch, tăng cường phân bón... để dành năng xuất cao, góp phần bảo đảm lương thực cho một bộ phận hộ dân có ruộng. Riêng về lâm nghiệp, toàn bộ diện tích rừng đã giao cho các hộ dân nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ; số đất rừng đã được quy hoạch trồng rừng kinh tế thì lựa chọn các cây trồng có giá trị kinh tế cao như keo lai và keo tai tượng nên đến nay 763 ha rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh, 169 ha rừng kinh tế đã được phủ kín, phát huy hiệu quả giúp dân sống được với nghề rừng. Lúa thì ít, rừng cũng chỉ tạm gọi là sống được, còn việc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo thì xã lựa chọn chè và cam.
Cùng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, chỉ có điều đất Minh An không được bằng phẳng như Trần Phú, Thượng Bằng La hay Nghĩa Tâm... đó là những địa phương đang bớt đói, bớt nghèo nhiều hộ đang giầu lên nhờ chè và cam. Vậy thì sao Minh An không làm? Khó khăn thì khắc phục, họ giầu thì mình khá. Xác định được hướng đi, được huyện giúp đỡ về giống, vốn và kỹ thuật nên vùng chè Minh An hình thành ngày một nhanh. Những thửa đất có thể trồng được chè là trồng hết, đến nay toàn xã đã có hơn 200 ha chè, trong đó có 158 ha chè kinh doanh với năng suất 7 tấn/ha. Năm nay chè được giá hơn mọi năm đã kích thích bà con tích cực đầu tư chăm sóc và trồng mới.
Với cây cam, người Minh An đã thấy được đồng bào mình bên thị trấn Nông trường Trần Phú, Nghĩa Tâm giầu có nhờ loại cây trồng này, nên đã tìm đến học tập, cách trồng và chăm sóc, từ đó về nhà mình cải tạo vườn tạp, san đồi tạo đường lô, trồng các loại cam. Thấy dân Minh An mạnh dạn trồng cây cam - một cây trồng "khó tính" đòi hỏi phải trồng và chăm sóc kỹ thuật cao, đầu tư lớn, Phòng Kinh tế huyện Văn Chấn đã cử cán bộ kỹ thuật đến tận bản giúp đỡ bà con và huyện đã trích ngân sách hỗ trợ bà con mua cây giống, vì vậy diện tích cam ở xã đã đạt 120 ha và vẫn còn tiếp tục tăng. "Minh An đi chậm nhưng không muộn, hơn nữa đi sau lại có được kinh nghiệm của người đi trước", đó là câu nói của đồng chí Trưởng phòng Kinh tế Văn Chấn khi nói về Minh An. Anh giải thích thêm: Do trồng sau nên phần lớn chè của Minh An là chè giống tốt, trong đó có nhiều diện tích trồng giống Phúc Vân Tiên và Bát Tiên, tuổi đời cây chè còn khá trẻ nên năng suất cao, chất lượng tốt. Về cây cam cũng vậy, người Minh An bây giờ đã trồng cam là trồng cam đường canh và cam Va - len - xi-a ... những giống cam năng suất cao và giá bán cao gấp ba, bốn lần giống cam khác.
Hôm nay đi trên các con đường về các thôn bản từ Khe Bịt đến An Thái hay Khe Phưa... đã nhận thấy cách làm mới, cuộc sống mới của người Minh An, rừng cây phủ kín núi đồi, nương chè mơn mởn và những vườn cam xanh tốt bên những ngôi nhà khang trang, những gia đình thu vài chục triệu đồng một năm như nhà ông Bầy, ông Tin ở thôn An Thái nhà ông Nguyên thôn Khe Phưa không còn là hiếm nữa. Tại hội nghị Đảng bộ khóa 18 xã Minh An vừa qua, 132 đảng viên đã nhất trí thông qua nghị quyết năm 2007 trồng mới 20 ha cam bằng giống Đường canh, trồng và chăm sóc và thu hái chè đúng kỹ thuật và đặc biệt là nâng tốc độ xóa nghèo toàn xã lên 10% mỗi năm thay vì 5% như hiện nay.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, mặc dù công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở Trấn Yên được Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.
YBĐT - Dưới cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, nông dân nhiều xã ở huyện Lục Yên đang khẩn trương thu hoạch lạc. Ở thôn 4, xã Minh Xuân bà con đang nhanh tay nhổ những cây lạc lúc lỉu củ.
YBĐT - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của huyện, thị trấn Mù Cang Chải đang từng ngày thay da đổi thịt. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu mà thị trấn đã tự cân đối được lương thực, hàng năm không phải đề nghị huyện hỗ trợ cứu đói giáp hạt.
YBĐT - Là xã có nhiều công trình thuỷ lợi lớn chảy qua địa bàn ( Từ Hiếu, Vực Ải, Liễu Đô) nên trong những năm qua, Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên xác định bên cạnh việc phát triển các loại hình nông lâm nghiệp thì việc nuôi trồng các loại cá nước ngọt cũng là một hướng đi xoá đói giảm nghèo hiệu quả tại địa phương.