Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Trấn Yên đã triển khai cho các xã rà soát các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương và các sản phẩm tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP, trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân đăng ký ý tưởng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí quy định.
Ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Trấn Yên đã chú trọng đến việc ứng dụng KHCN trong quá trình xây dựng từ khâu kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào đến đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm… Nhờ đó, hết năm 2023, huyện Trấn Yên có 43 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Trong đó, sản phẩm đạt 4 sao có 4 sản phẩm và 39 sản phẩm đạt 3 sao; tập trung vào các sản phẩm chủ yếu như chè, quế, măng tre Bát độ, mật ong, miến đao…”.
Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Đào Thịnh, xã Đào Thịnh nơi có vùng nguyên liệu hơn 700 ha. Đây là vùng quế chất lượng, được canh tác chủ yếu theo phương pháp hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu chọn giống, bảo vệ tầng thảm thực vật, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, bón phân hữu cơ hợp lý, cân đối… HTX đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ với công suất từ 2.000 tấn quế/năm.
Với hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, hiện nay, HTX thực hiện quy trình vùng sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ, EU và Nhật Bản. Thực hiện Chương trình OCOP, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm quế điếu thuốc đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Ông Nguyễn Bá Mão - quản lý sản xuất Nhà máy Quế hồi Yên Bái, Công ty Vinasamex chia sẻ: "Để chế biến ra sản phẩm quế điếu thuốc từ quế sáo, quy trình sản xuất phải trải qua các bước nghiêm ngặt bao gồm phân loại quế, chẻ quế, bào quế, rửa quế, sấy, cắt quế. Tiếp đó là sàng, nhặt phân loại quế và đóng gói. Ở bất cứ công đoạn nào, người công nhân cũng phải sử dụng thành thạo máy móc, nắm chắc về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, tỉ mỉ, cẩn thận để sản phẩm làm ra đáp ứng đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của các đối tác và bạn hàng”.
Sản phẩm OCOP mật ong Minh Quán, xã Minh Quán được dán tem, nhãn, mác có truy xuất nguồn gốc, được đóng theo nhiều dung tích... trên các lọ thủy tinh vừa sang trọng vừa giữ được hương vị thơm ngon cho sản phẩm khi bảo quản lâu. Đây cũng là lợi thế để mật ong Minh Quán tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đến được tay người tiêu dùng cả nước.
Cũng như sản phẩm quế hồi, mật ong, KHCN đồng hành trong xây dựng sản phẩm OCOP tại huyện Trấn Yên đã góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, thay đổi nhận thức trong việc lựa chọn cây, con giống tốt đưa vào canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nếu như trước đây, các sản phẩm nông nghiệp làm ra còn thô sơ, giá thành thấp, chưa chú trọng gắn kết giữa chất lượng và hình thức, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thì nay các chủ hộ, HTX, doanh nghiệp đã nâng cao được nhận thức trong việc đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc, nâng cao mẫu mã bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từng bước đưa sản phẩm lên sàn thương mại để mở rộng đối tượng khách hàng. Đồng thời, quá trình sản xuất luôn hướng đến sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
"Trong giai đoạn tiếp theo, huyện phấn đấu duy trì, nâng hạng một số sản phẩm tiêu biểu chủ lực, tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới. Ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến và chế biến sâu; hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ để áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, Organic, ISO... vào sản xuất để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận và tham gia vào thị trường xuất khẩu” - Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Thư cho biết thêm.
Mạnh Cường