Sản xuất nông sản sạch ở Sơn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/5/2024 | 7:48:10 AM

YênBái - “Sản xuất nông sản sạch” là cụm từ không còn xa lạ với nhiều người làm nông nghiệp nói chung và với các hộ nông dân ở thị trấn Sơn Thịnh (Văn Chấn) nói riêng. Thay vì sản xuất theo phương thức truyền thống, giờ đây, nhiều hộ dân Sơn Thịnh đã thực hiện quy trình sản xuất sạch, an toàn, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thăm, kiểm tra mô hình trồng ớt xanh của nông dân trên địa bàn.
Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thăm, kiểm tra mô hình trồng ớt xanh của nông dân trên địa bàn.

"Mùa quả ngọt”

Tới thăm vườn dưa chuột bao tử đang mùa thu hoạch của gia đình anh Lê Trung Đính - thành viên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ rau an toàn An Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh. Xen lẫn màu xanh của lá, màu vàng của nắng là những trái dưa chuột bao tử sai lúc lỉu. Nhanh tay hái những trái dưa còn nguyên phấn, anh Đính phấn khởi chia sẻ: "Đây là vụ dưa trồng thử nghiệm đầu tiên của gia đình tôi và một số hộ nông dân trên địa bàn thị trấn, song kết quả đã đạt hơn mong đợi, tỷ lệ ra hoa, đậu quả rất cao. Sau khi trồng khoảng 25 ngày tuổi, cây dưa chuột bao tử bắt đầu ra hoa, kết trái và thời gian thu hoạch một vụ sẽ kéo dài liên tục trong 90 ngày. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi hái được trên 1 tạ dưa chuột bao tử, thu gom đưa vào Hợp tác xã với giá bán trung bình từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg, cho thu về trên 1 triệu đồng/ngày”. 

Theo ước tính, trên diện tích 1.000 m2 như hiện nay, gia đình anh Đính sẽ thu được khoảng 6 tấn dưa/vụ và nếu chăm sóc tốt sẽ đạt được 8 - 9 tấn/vụ. Sau khi trừ chi phí, trung bình 2 vụ/năm, gia đình anh Đính sẽ thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi. So với các loại cây hoa màu khác như lúa, ngô, rau, khoai thì trồng dưa chuột bao tử đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-10 lần. 

Cũng trong không khí thu hoạch rộn ràng không kém, tại khu vực trồng ớt xanh (ớt Jalapeno) của gia đình anh Bùi Song Hỷ - Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh, ngay từ sáng sớm đã rất đông người đang thu hoạch ớt. 

Ngắm nhìn những ruộng ớt phát triển xanh tốt, quả sai lúc lỉu, anh Hỷ hồ hởi: "Tôi không nghĩ loại cây này lại phù hợp với đồng đất quê mình đến thế. Các loại ớt xanh, ớt chỉ thiên, dưa chuột bao tử được sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn, chất lượng đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tốt. Đây thực sự là niềm vui, động lực rất lớn để bà con nông dân chúng tôi có thêm quyết tâm, động lực làm nông nghiệp sạch, góp phần bảo đảm nguồn nước, không khí, sức khỏe cho chính mình và cả người tiêu dùng”. 

Hiện tại, gia đình anh Hỷ đang trồng 1.000 m2 ớt xanh, 1.200 m2 dưa chuột bao tử và 1.500 m2 ớt chỉ thiên. Với giá bán dao động từ  7.000 đồng - 10.000 đồng/kg ớt xanh và 15.000 đồng - 17.000 đồng/kg ớt chỉ thiên, ước tính mỗi năm, gia đình anh Hỷ thu được khoảng 20 tấn quả các loại, sau khi trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng. 

Cùng với gia đình anh Đính, anh Hỷ, hiện nay, trên địa bàn thị trấn Sơn Thịnh đang có hơn 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm các loại cây trồng trên theo hướng an toàn với tổng diện tích là 1,1 ha dưa bao tử, gần 1,2 ha ớt chỉ thiên và 8.000 m2 ớt xanh. Ước tính trong vụ này, các hộ trên sẽ thu về gần 2 tỷ đồng từ các loại nông sản này.  

Đẩy mạnh liên kết "4 nhà”

Thực tế, việc sản xuất nông sản sạch ở Sơn Thịnh mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, song đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các hộ nông dân. Kết quả này có được là bởi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung và thực hiện liên kết "4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) nhằm bảo đảm lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. 

Ông Đặng Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sơn Thịnh cho biết: "Sau khi nhận được chủ trương của lãnh đạo thị trấn về việc triển khai thực hiện sản xuất nông sản sạch theo hướng hàng hóa, Hội đã phối hợp với cán bộ cơ sở tích cực tuyên truyền tới hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này. Đồng thời, tạo điều kiện để các thành viên trong HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh và một số hộ có nhiều kiến thức về phát triển nông nghiệp thực hiện trước để có kiến thức, kinh nghiệm giúp đỡ các hộ nông dân khác trong thị trấn làm theo”. 


Bà con nông dân thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thu hoạch dưa chuột bao tử. 

Tham gia thực hiện sản xuất nông sản sạch, các hộ được hướng dẫn tận tình theo phương pháp "cầm tay chỉ việc”, được cung cấp đầy đủ từ hạt giống, phân bón đến hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hái, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, thị trấn cũng thành lập nhóm Zalo để các hộ có cơ hội trao đổi, học tập kiến thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; chia sẻ thông tin về thị trường, giá cả; phương thức khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai... 

Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh - Bùi Song Hỷ cho biết thêm: "Trên cơ sở trồng thử nghiệm thành công các loại cây trồng mới và đảm bảo được đầu ra ổn định,  chúng tôi dự kiến trong vụ tiếp theo sẽ mở rộng thêm diện tích trồng, vì hiện nay rất nhiều hộ nông dân trên thị trấn cũng đang có nhu cầu muốn tham gia làm cùng”. Được biết, các sản phẩm nông sản sạch của HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh đều đang được xuất bán cho  doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên xuất khẩu các loại rau quả an toàn đi thị trường các nước Nhật, Hàn Quốc và các siêu thị uy tín tại thị trường trong nước. 

Hướng đến làm kinh tế nông nghiệp

Cùng với trồng các loại rau, củ an toàn, những năm gần đây, nhận thấy trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND thị trấn và các đoàn thể ở Sơn Thịnh cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất dốc, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP; quan tâm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả. Do đó, nhiều loại cây ăn quả không những đã trở thành hàng hóa mà còn dần có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường như: bưởi, cam, nhãn. 

Hiện nay, cùng với thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh, trên địa bàn thị trấn Sơn Thịnh còn có HTX Sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn hiện đang trồng khoảng 40 ha cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật được cách ly ít nhất 2 tháng trước khi thu hoạch và có truy suất nguồn gốc. Toàn thị trấn hiện đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên trên 220 ha. Hàng năm, nguồn thu từ các loại hàng hóa nông sản đã mang về cho nông dân thị trấn Sơn Thịnh hàng chục tỷ đồng. 

Thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, đó chính là "chìa khóa” để nông nghiệp "cất cánh”, là yếu tố quan trọng để chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”. 

Thay vì bán cái mình có, sản phẩm làm ra nhiều nhưng lợi nhuận không cao thì nay, bắt tay vào làm kinh tế nông nghiệp, những người sản xuất nông nghiệp ở thị trấn Sơn Thịnh đã bước đầu sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và đạt được lợi nhuận cao hơn trước nhiều. 

Tuy nhiên, để có thể phát triển sản xuất nông sản sạch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì trong thời gian tới, thị trấn Sơn Thịnh cần tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản sạch để nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút người tiêu dùng; tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quảng bá sản phẩm nông sản sạch thông qua các kênh truyền thông, hội chợ, triển lãm; phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với sản xuất nông sản sạch để thu hút du khách đến tham quan và mua sắm sản phẩm.

 Hồng Oanh

Tags nông sản sạch Sơn Thịnh Văn Chấn

Các tin khác
Được sự hỗ trợ kỹ thuật và vốn của Dự án, mô hình Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh sản xuất miến đao Tráng Thái của chị Đinh Kiều Anh, xã Quy Mông mang lại hiệu quả cao.

Dự án “EU/Sự tham gia: Nâng cao năng lực cho các đoàn thể, tổ chức xã hội và thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào việc khởi nghiệp, ra quyết định kinh tế - xã hội” (gọi tắt là Dự án) do Liên minh Châu Âu tài trợ được triển khai tại 9 xã thuộc huyện Trấn Yên từ tháng 2/2020. Đến nay, đã có 18 sáng kiến khởi nghiệp và 4 sáng kiến xã hội của thanh niên được Dự án lựa chọn hỗ trợ. Đây là cơ hội khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của tuổi trẻ huyện Trấn Yên.

Loài cây pơ mu quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt trong Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.

Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (gọi tắt là Khu Bảo tồn) là 1 trong 2 khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái được thành lập năm 2006.

Sản lượng điện vượt qua 1 tỷ kWh/ngày.

Trong những ngày cuối tháng 5/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức tái diễn ở nhiều khu vực của cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc lại tăng cao kỷ lục.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ 3-6, bốn ngân hàng nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân

Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Dũng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - về phương án điều hành thị trường vàng là giao 4 ngân hàng có vốn nhà nước bán vàng trực tiếp tới người dân, thay thế cho đấu thầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục