Với lợi thế gia đình có nhiều đất đồi, hội viên Nguyễn Thị Hằng, thôn Khe Lụa, xã Lương Thịnh đã tập trung quy hoạch các diện tích nương đồi của gia đình phù hợp để phát triển kinh tế. Cùng với đầu tư trồng hơn 8 ha quế với độ tuổi từ 2 đến 10 năm, gia đình bà Hằng đã tận dụng hơn 1.000 m2 để đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi.
Bà Hằng chia sẻ: "Năm 2020, sau khi xây dựng chuồng trại xong với quy mô nuôi tối đa 20 lợn nái và 100 lợn thịt, tôi bắt đầu chăn nuôi thử một vài lứa đầu để rút kinh nghiệm. Tôi nhận thấy, nuôi lợn cũng không khó, nhưng để bảo đảm an toàn nhất về phòng chống dịch bệnh thì nên phát triển theo hướng đầu tư khép kín từ con giống đến khi thành lợn thịt theo phương châm chỉ có xuất ra, không có nhập vào thì sẽ hạn chế các mầm mống lây bệnh. Theo đó, tôi đã mua 20 lợn nái về gây giống rồi tự sản xuất được bao nhiêu con giống thì chuyển nuôi thành lợn thương phẩm với phương pháp nuôi 100% bằng cám công nghiệp. Hiện, gia đình đang duy trì 20 lợn nái và 80 đến 100 con lợn thịt và hằng năm, sau khi trừ chi phí gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng từ chăn nuôi lợn”.
Cũng như hội viên Nguyễn Thị Hằng, gần chục năm trở lại đây, với lợi thế nhiều đất đồi, hội viên Dương Thị Điệp, thôn Khe Cá cũng mạnh dạn đầu tư phát triển trồng quế. Đến nay, bà Điệp cũng đã trồng được trên 10 ha quế và những diện tích trồng trước đã bắt đầu cho khai thác tỉa, mang lại thu nhập tăng dần lên qua hằng năm.
Để hỗ trợ về nguồn vốn, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lương Thịnh đã tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai cho vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ do Hội quản lý hiện nay là trên 9,59 tỷ đồng cùng hơn 0,41 tỷ đồng quỹ của Hội cho hội viên và nhân dân vay đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã có nhiều hội viên có mô hình phát triển chăn nuôi, mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, kinh doanh dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng...
Điển hình như năm 2021, hội viên Hoàng Thị Tỉnh ở thôn Phương Đạo đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình sản xuất lợn đất. Với sự linh hoạt trong tiếp cận thị trường, chuyển đổi, đa dạng mẫu mã nên sau gần 3 năm hoạt động, hiện sản phẩm của gia đình được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Qua đó, mô hình sản xuất lợn đất của bà Tỉnh ngoài tạo việc làm cho lao động trong gia đình còn giải quyết việc làm thêm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng luôn chú trọng làm tốt các phong trào, hoạt động Hội. Điển hình, thực hiện phong trào Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, Hội đã chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; "gia đình 5 có, 6 không, 6 sạch”, góp phần tích cực vào hoạt động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Bà Hà Thị Hiệp - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: "Cùng với phát triển kinh tế, Hội cũng xây dựng kế hoạch theo từng tháng, quý rồi phân công, chỉ đạo các chi hội vận động hội viên vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, phân loại rác thải tại nguồn, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, cổng ngõ, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, bảo đảm xanh, sạch, đẹp...”.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, Hội đã cắm được 4 biển "Nhà sạch, vườn đẹp"; trồng thêm 3 tuyến đường hoa tại 3 thôn: Khe Bát, Trấn Hưng, Phương Đạo; mở được 2 lớp học nghề tại thôn Trấn Hưng, thôn Khe Cá cho 60 học viên tham gia...
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực vào cuộc từ Hội đến mỗi hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lương Thịnh đã có 8 hội viên phát triển mô hình chăn nuôi lợn với quy mô từ 30 -100 con/lứa; 1 mô hình nuôi lợn trên 200 con/lứa cùng nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, trồng rừng... mang lại thu nhập ổn định, góp phần quan trọng cùng địa phương giảm hộ nghèo của xã còn 124/1.600 hộ tại thời điểm hết năm 2023.
A Mua