Quản lý thị trường trong xu thế hội nhập
- Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng quản lý thị trường đã từng bước phát triển theo hướng chính quy, tổ chức chặt chẽ. Với chức năng, nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng đã góp phần giữ vững, ổn định thị trường.
Phan Bá Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái
|
Nhìn lại quá khứ với niềm trân trọng và tự hào, song phía trước nhiệm vụ còn hết sức nặng nề. Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Yên Bái so với mặt bằng chung cả nước, thị trường còn chậm phát triển. Song đời sống dân cư cũng đã được cải thiện, trình độ dân trí nâng cao, nền thương mại đã phát triển khá toàn diện. Bên cạnh những mặt tích cực thì nạn buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều nhức nhối. Gian lận thương mại dự báo tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Vấn đề đặt ra cho lực lượng là phải làm gì, làm như thế nào để giữ vững sự ổn định và lành mạnh thị trường, đảm bảo cho thị trường phát triển đúng định hướng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thu hút đầu tư. Trong xu thế phát triển của thị trường, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Công tác chống buôn lậu vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu. Mặc dù đã thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, nhưng tình hình buôn lậu vẫn chưa có chiều hướng lắng giảm. Trên tuyến quốc lộ 70, tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh và trên thị trường nội địa, việc vận chuyển, kinh doanh hàng ngoại nhập lậu vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp như sử dụng hóa đơn, chứng từ quay vòng, lập khống, hoặc lợi dụng chế độ mua hàng của cư dân biên giới… để hợp thức hóa hàng lậu. Chi cục cần tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt các thông tin, tập trung vào các mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và các mặt hàng có thuế xuất nhập khẩu cao, các mặt hàng theo quy định phải dán tem nhập khẩu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để kiểm tra và xử lý, đảm bảo chống thất thu cho ngân sách, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh thương mại.
Song song với lĩnh vực chống buôn lậu, công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu. Đây là nhiệm vụ cơ bản để thực thi các cam kết hội nhập WTO và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính. Ngoài việc chống hàng giả sản xuất trong nước, cần chú trọng tới việc trinh sát, xử lý các nguồn hàng giả được nhập từ nước ngoài và các mặt hàng giả xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định chung mà Việt Nam đã ký kết. Trên địa bàn tỉnh, tập trung kiểm tra tại các trung tâm phân phối lớn, các chợ đầu mối, các cửa ngõ giao thông, ngăn chặn việc đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào nội tỉnh, nhất là địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu. Tập trung vào kiểm tra các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, các sản phẩm gia súc, gia cầm và các mặt hàng đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được coi là biện pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức người kinh doanh, nhận thức người tiêu dùng, làm giảm thiểu việc buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cùng với đó, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác trinh sát, nắm bắt thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, phát huy hiệu quả của các quy chế phối hợp mà Chi cục đã ký kết với Cục Thuế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong thời gian qua.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên thì vấn đề then chốt, quyết định chính là đội ngũ cán bộ. Trong điều kiện lực lượng còn mỏng, nhiều cán bộ chưa được qua đào tạo chính quy, Chi cục phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng, đảm bảo xây dựng lực lượng cán bộ quản lý thị trường từng bước chính quy, tổ chức chặt chẽ, hoàn thành công vụ với tinh thần trách nhiệm cao.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống xây dựng và trưởng thành của lực lượng, nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh nhận thức sâu sắc về trọng trách của mình trong thời gian tới. Chi cục xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Thương mại - Du lịch, Cục Quản lý thị trường; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng trong thời gian qua và tin tưởng rằng, Chi cục sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.
Phan Bá Hùng
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Từ năm 2001 đến nay, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân, mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) ở huyện Mù Cang Chải đã được cải thiện đáng kể. Nhiều tuyến đường huyện, đường xã, thôn bản từng bước được mở mang, nhưng chất lượng thì vẫn còn nhiều bất cập. Các yếu tố kỹ thuật như độ dốc, bề rộng nền đường, bán kính đường cong... chưa đảm bảo. Thực trạng trên đang đặt ra một vấn đề là làm thế nào để lưới GTNT vùng cao Mù Cang Chải ngày càng phát triển?
YBĐT - Năm 2007, huyện Mù Cang Chải đề ra kế hoạch trồng mới 1.200 ha rừng, trong đó có 900 ha rừng phòng hộ và 300 ha rừng kinh tế. Mới đây huyện đã chính thức ra quân trồng 300 ha rừng kinh tế trong vụ hè thu năm 2007.
YBĐT - Luật Quản lý thuế (QLT) là cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý thuế, nhằm khắc phục những tồn tại về quản lý thuế được qui định không đồng bộ, nằm rải rác ở các luật.
YBĐT - Do tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đội đã phát hiện và thu giữ được 12,8 m2 gỗ pơ mu; 3,4 m2 gỗ tạp. Hàng kém chất lượng gồm: bia á Đông 17 chai; kẹo các loại 75,5 kg; sữa tươi 121 hộp; mì chính 6,3kg; dầu gội đầu các loại 17 chai; bia Hà Nội 20 chai; nước giải khát các loại 10 chai... tổng số tiền xử lý hàng thu giữ và xử phạt hành chính gần 150 triệu đồng.