Giao thông Yên Bái “đi trước mở đường”

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2024 | 1:39:08 PM

YênBái - Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông là một trong những trọng tâm trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ của 3 đột phá chiến lược. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện nghị quyết, hệ thống hạ tầng giao thông của Yên Bái đã có những đột phá mạnh mẽ.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Dũng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Yên Bái.

Khẳng định vai trò "đi trước mở đường” 

- Xin ông cho biết khái quát về những kết quả trong xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông mà Yên Bái đã đạt được trong hơn 4 năm qua?

Ông Trần Việt Dũng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là lĩnh vực giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. 

Đồng thời Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đó là "Ưu tiên các dự án kết nối các tuyến quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án liên kết vùng và kết nối tỉnh Yên Bái với các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tập trung vào một số công trình trọng điểm; một số tuyến đường kết nối vùng, liên vùng quan trọng”.
 
Để cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đó, trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án, công trình trọng điểm do UBND tỉnh quyết định đầu tư (tổng mức đầu tư gần 13.300 tỷ đồng), trong đó có 17 dự án, công trình hạ tầng giao thông (tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng), chiếm 65,38% danh mục các dự án trọng điểm và chiếm 73,68% tỷ trọng vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm. 

Bên cạnh đó, công tác sửa chữa, bảo trì, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh luôn được Bộ GTVT, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, sửa chữa giúp cho người và các phương tiện đi lại được thuận lợi, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững kinh tế- xã hội . 

Giai đoạn từ năm 2021-2024, UBND tỉnh đã bố trí 527 tỷ đồng chủ yếu để sửa chữa, cải tạo các tuyến đường tỉnh, sửa chữa thay thế các cầu yếu, ngầm tràn, bảo dưỡng thường xuyên, chi hoạt động cân kiểm tra tải trọng... Đồng thời, Bộ GTVT đã bố trí 614 tỷ đồng chủ yếu để sửa chữa, cải tạo các quốc lộ, sửa chữa thay thế các cầu yếu. 



- Yên Bái hiện nay đã và đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm , như: Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với đường tỉnh 174 (huyện Trạm Tấu); Dự án cải tạo, nâng cấp đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, huyện Lục Yên và huyện Yên Bình; Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án đường nối quốc lộ 70, quốc lộ 32C, quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai…  Ông có thể cho biết vai trò cũng như tiến độ của các dự án trên đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Ông Trần Việt Dũng: Yên Bái có lợi thế nằm ở vị trí tương đối trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy chạy qua kết nối giữa các tỉnh trong vùng và kết nối liên vùng với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nên có nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác, liên kết đầu tư.
 
Với vai trò "đi trước mở đường” hạ tầng giao thông của tỉnh trong những năm qua phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình giao thông đường bộ có tính kết nối vùng, liên vùng, có tính lan tỏa và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng và của tỉnh.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án, công trình trọng điểm đã và đang đầu tư xây dựng. Bên cạnh các dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục thực hiện đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm.

Cụ thể là đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường nối quốc lộ 70, quốc lộ 32C, quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); cải tạo, nâng cấp đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); nút giao IC13 cao tốc Nội Bài - Lào Cai…

Dự kiến hết năm 2025, sẽ hoàn thành 14/16 dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và chuyển tiếp dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) và đường Khánh Hòa - Văn Yên thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái sang thực hiện giai đoạn 2026-2027.

Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông 


Người dân xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đóng góp công sức bê tông hóa đường GTNT.

- Được biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành những năm qua là phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Vậy, ông có thể cho biết về kết quả thực hiện Đề án này?

Ông Trần Việt Dũng: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện Đề án phát triển GTNT theo Nghị quyết số 73/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020; Nghị quyết số 79/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh; Quyết định số 3446/QĐ-UBND ngày 31/12/2020; Quyết định số 3022/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện Đề án; bám sát mục tiêu, kế hoạch đề ra tại Chương trình hành động số 10- CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy "Giai đoạn 2021-2025, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn xây dựng và phát triển hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành kiên cố khoảng 2.000 km đường GTNT”. 

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án, với phương châm chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn vốn và nguồn nội lực trong nhân dân để thực hiện, toàn tỉnh đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng được 2.183/2.000 km, đạt 109,15% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025 đề ra, nâng tổng số chiều dài km đường GTNT trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa lên 6.329/8.125,4 km, đạt 77,89%. 

Qua đó giúp người dân đi lại được thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, kinh phí, từng bước đáp ứng được nhu cầu giao thương của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

- Ông có thể cho biết, để khắc phục những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi, trong xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, ngành GTVT Yên Bái đã thực hiện giải pháp gì?

Ông Trần Việt Dũng: Yên Bái với điều kiện địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc và bị chia cắt mạnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Do vậy, để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gặp nhiều rất khó khăn và đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn; tốc độ phát triển mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tăng nhanh nhưng mật độ mạng lưới giao thông đường bộ vẫn còn thấp so với yêu cầu; quy mô các tuyến đường chưa vào cấp theo quy hoạch còn nhiều. 

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, ngành GTVT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục tập trung phát triển hệ thống GTVT một cách đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các khu vực của tỉnh. Đồng thời gắn kết hạ tầng giao thông của tỉnh với mạng lưới GTVT quốc gia, tạo sự liên kết vùng thông suốt, trọng tâm là tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Hai là, tham mưu với Bộ GTVT, UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng GTVT trên theo các quy hoạch trong lĩnh vực GTVT cấp quốc gia và nhất là Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng của tỉnh, có tính kết nối vùng, liên vùng, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo đột phá mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng giao thông.

Ba là, tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng GTVT hiện có; thực hiện tốt công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì hệ thống đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường kết nối vùng, liên vùng; dần xóa bỏ các điểm đen, điểm mất an toàn giao thông, hạn chế tầm nhìn, đảm bảo giao thông luôn thông suốt; các công trình cầu yếu, cầu không đủ khẩu độ, ngầm tràn sẽ dần được thay thế bằng các công trình cống, cầu mới đảm bảo lưu thông thuận lợi và không bị ngập úng khi vào mùa mưa lũ. 

Bốn là, tiếp tục huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển GTNT gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái với phương châm linh hoạt trong triển khai thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn vốn và sự tham gia của nhân dân. Xây dựng hoàn thiện các tuyến đường GTNT liên xã, liên thôn đảm bảo theo quy hoạch xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm là, tiếp tục xác định thu hút đầu tư, nhất là thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng GTVT theo hình thức đối tác công tư (PPP) là nhiệm vụ quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm đến đầu tư, phát triển hạ tầng GTVT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Những bài học kinh nghiệm 

- Kinh nghiệm của ngành GTVT Yên Bái rút ra sau hơn 4 năm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị trong xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông là gì thưa ông?

Ông Trần Việt Dũng: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu trong xây dựng, phát triển hạ tầng GTVT, trong 4 năm qua mặc dù gặp không ít những khó khăn, thách thức do việc huy động nguồn lực cho giao thông còn rất hạn chế, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, địa hình vùng núi hiểm trở, chia cắt mạnh nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Bộ GTVT và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương cùng sự đồng thuận, chia sẻ của nhân dân và doanh nghiệp; sự nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu; sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo của công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT; các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu trong xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đã được Sở GTVT thực hiện hoàn thành tốt đảm bảo mục tiêu, kế hoạch, chương trình đề ra. 

Qua hơn 4 năm thực hiện, Sở GTVT đúc kết và rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:

Một là, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu của ngành được giao trên cơ sở bám sát nội dung chương trình, kế hoạch, mục tiêu theo giai đoạn và hằng năm được cấp trên giao; quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Bộ GTVT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển hạ tầng GTVT.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, nhất là với các địa phương, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh; kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất với UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Ba là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc.

Bốn là, chú trọng công tác lập quy hoạch GTVT, từ khâu xây dựng và ban hành quy hoạch đến thường xuyên rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng GTVT.

Năm là, tăng cường vận động nhân dân phát huy sức mạnh nội lực để đẩy mạnh và phát huy phong trào làm đường GTNT; linh hoạt trong triển khai thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Thành Trung (thực hiện)

Tags Giao thông Yên Bái động lực kinh tế xã hội giao thông nông thôn

Các tin khác
Sản xuất ván dán Plywood ở Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Kim Gia, Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh.

Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung các giải pháp nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, cũng để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo…

Giá vàng trong nước ghi nhận mức tăng đáng kể sau 1 tuần giao dịch.

Giá vàng thế giới hôm nay (28/10) có xu hướng giảm khi đồng USD giữ vị thế tăng trưởng. Trong nước, giá vàng miếng ổn định ở mức 87,0 - 89,0 triệu đồng/lượng, tăng 3 triệu đồng sau 1 tuần, còn vàng nhẫn tăng 3,3 triệu đồng, giao dịch quanh mức đỉnh lịch sử.

Chế biến từ hạt nếp Tan còn ngậm sữa, sản phẩm cốm Tú Lệ đã trở thành hàng hóa có giá trị.

Tháng 10 về, nếp Tú Lệ chính thức khép lại mùa thu hoạch và bắt đầu hành trình mới đến tay khách hàng. Với trên 100 ha, sản lượng đạt khoảng 500 tấn thóc, người trồng lúa nếp ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn hàng năm thu về trên 11 tỷ đồng với sản phẩm được người tiêu dùng trên cả nước săn đón, ưa chuộng.

Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về cách chăm sóc những diện tích cam chưa nhiễm bệnh.

Cây cam đã từng là cây trồng chủ lực xoá đói giảm nghèo, là niềm tự hào của người dân các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn mỗi khi nói đến và đã được công nhận Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn”. Tuy nhiên, hiện tượng vàng lá thối rễ dẫn đến việc người dân phải chặt bỏ khiến diện tích trồng cam của toàn huyện giảm một nửa. Để giữ vững thương hiệu “Cam Văn Chấn” đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và cả huyện Văn Chấn khi diện tích cam giảm đi trầm trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục