Cấp mã số vùng trồng rừng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, là bước đi có tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay nhằm minh bạch hóa thông tin về nơi trồng rừng, góp phần đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung sản xuất gỗ và chế biến lâm sản toàn cầu.
Nhận thức được vấn đề này, ngày 9/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2260 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.
Theo đó, quá trình triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh phía Bắc là Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Quang cảnh Hội nghị
Trải qua hơn 4 tháng thực hiện, đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu về vùng trồng rừng ở 5 tỉnh thí điểm và những mã số vùng trồng rừng đầu tiên đã được cấp. Tổng diện tích rừng đăng ký cấp mã số vùng trồng là trên 16.000 ha; trong đó diện tích được xác minh và cấp mã số vùng trồng là 3.350 ha.
Dự án nghiên cứu thí điểm ứng dụng iTwood xây dựng mô hình kinh doanh Carbon từ rừng trồng tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Dự án FCBMO) là dự án do Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc tài trợ cho Việt Nam.
Dự án sẽ nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số để đo đếm, giám sát khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon rừng trồng trên mã số vùng trồng được cấp. Đây là công việc có ý nghĩa thực tiễn, là sáng kiến được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu nội dung thí điểm và quản lý mã số vùng trồng theo quy định; nội dung, kế hoạch và kết quả mong đợi của Dự án FCBMO và giảm phát thải nhà kính, tiềm năng thương mại carbon trong lâm nghiệp.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái trao Giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đầu tiên cho đại diện chủ rừng là hộ gia đình tại tỉnh Yên Bái
Tại tỉnh Yên Bái, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã lựa chọn được các xã trên địa bàn 2 huyện Yên Bình và Lục Yên để thực hiện thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc triển khai cấp mã mới chỉ được thực hiện tại 4 xã Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Hương, huyện Yên Bình.
Đồng thời, tại đây, Chi cục cũng hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình của 4 xã này đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood với tổng số 495 hộ gia đình tham gia. Đến nay có 465 tài khoản được kích hoạt và vận hành đăng ký mã số vùng trồng rừng.
Yên Bái là tỉnh có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp, với sản lượng khai thác hàng năm trên 700 nghìn m3 gỗ để đáp ứng công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu. Việc thúc đẩy cấp, quản lý cấp mã số vùng trồng rừng và khởi động dự án FCBMO sẽ giúp tỉnh Yên Bái phát huy được tối đa lợi thế này, gia tăng giá trị kinh tế lâm nghiệp, giúp các cấp quản lý tốt hơn lĩnh vực lâm nghiệp, hỗ trợ một cách tốt nhất cho các chủ rừng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã trao Giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đầu tiên cho đại diện chủ rừng là hộ gia đình tại tỉnh Yên Bái.
Mạnh Cường