Đoàn đã tham quan Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam và HTX Tiến Thành T&T tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên với các sản phẩm trà khôi nhung và trà tía tô được sản xuất hữu cơ, an toàn đối với người tiêu dùng. Hiện HTX Tiến Thành T&T có 21ha cây dược liệu gồm: khôi nhung, nghệ, tía tô, gừng… HTX đã đầu tư máy đóng trà túi lọc tự động. Sản phẩm trà khôi nhung hiện đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng/thành viên/năm.
HTX Quế hồi Việt Nam chuyên sản xuất và xuất khẩu quế hồi đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Các sản phẩm quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế… của HTX đã xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Năm 2023, HTX đã chế biến hơn 400 tấn quế, 200 tấn hồi và các gia vị khác, đạt doanh thu hơn 36 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Đoàn thăm và làm việc tại HTX Quế hồi Việt Nam, tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Tại buổi tham quan, thành viên các HTX và đoàn công tác của Chương trình FFF II và FAO đã thảo luận về lợi thế và hạn chế trong phát triển HTX, chuỗi giá trị, đa dạng sinh học nông nghiệp và khả năng chống chịu với khí hậu, nhu cầu kiến thức; khoảng cách trong tiếp cận tài nguyên, chế biến, giá trị gia tăng và năng lực quản lý của các cơ sở sản xuất rừmg và trang trại (FFPOs) đối với rừng và cảnh quan trang trại bền vững và kế hoạch thu hẹp những khoảng cách đó; tầm quan trọng của việc tiếp cận thị trường và thu hẹp khoảng cách trong việc cải thiện tài chính và năng lực cho FFPOs…
Đoàn tham quan vườn ươm quế giống của tổ hợp tác tại xã Đào Thịnh.
Sau buổi tham quan, đoàn có buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành của tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý Chương trình FFF II đã phối hợp với các cấp Hội nông dân tỉnh tổ chức 12 cuộc họp nhóm trọng tâm; 22 hội nghị bàn tròn các cấp, cuộc họp thường niên giữa Hội Nông dân, các tổ nhóm, tổ hợp tác (THT), HTX với chính quyền tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khoa học kỹ thuật, về đất đai, vốn, chính sách, đầu ra cho sản phẩm…
Chương trình đã hỗ trợ 10 dự án nhỏ để xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm đa dạng hóa sản phẩm dưới tán rừng; tổ chức tập huấn, nâng cao cho các tổ, nhóm nông dân về năng lực kinh doanh, tiếp cận thông tin, thị trường; hỗ trợ thành lập 4 HTX, 6 THT; hỗ trợ 8 THT, HTX xây dựng quỹ tín dụng xanh hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo điều kiện cho người dân xây dựng các chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm nông, lâm nghiệp với vùng sản xuất quế hữu cơ diện tích 14.500 ha và cấp chứng chỉ FSC cho 13.000 ha rừng…
Các hoạt động của Chương trình FFF đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo quy mô THT, HTX, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần vào thích ứng và chống biến đổi khí hậu.
Đoàn làm việc tại Hội Nông dân tỉnh.
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Chương trình FFF tại Việt Nam và Tổ chức FAO đề nghị, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn có chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững để tạo thu nhập cho người dân. Ngoài ra, cần lồng ghép hiệu quả dự án hỗ trợ Chương trình FFF để các HTX, THT và người dân phát huy tốt nhất lợi thế, tạo ra những sản phẩm nông, lâm sản có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Đoàn cũng nắm bắt nhu cầu của hội viên nông dân tỉnh Yên Bái để tham vấn với các bên liên quan về nâng cao năng lực của tổ chức hội nông dân và nông dân, các cơ sở sản xuất rừng và trang trại, trong đó ưu tiên đối tượng là nông dân trẻ, phụ nữ và dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Ban Quản lý Chương trình FFF tại Việt Nam và Tổ chức FAO tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các HTX, THT tại Yên Bái để phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.
Minh Huyền - Hoài Văn