Từ nhiều năm nay, xã Vĩnh Kiên luôn được đánh giá là điển hình trong phong trào sản xuất vụ đông của huyện Yên Bình. Sở dĩ, vụ đông thu hút nhiều nông dân ở đây tham gia chính là vì giá trị lợi nhuận mà nó mang lại. Chị Nguyễn Thị Thu, thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong lúa mùa là gia đình tập trung nhân lực làm ngô đông. Trồng ngô đông là phù hợp nhất vì dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thu hoạch xong dễ bảo quản. Lá thì cho trâu, bò ăn, hạt thì phục vụ chăn nuôi và nếu dư thừa thì bán cho thương lái”.
Không chỉ ở xã Vĩnh Kiên, những ngày này, đi dọc các xã từ quốc lộ 70 như: Bảo Ái, Tân Hương hay đến các xã vùng Đông Hồ như: Hán Đà, Vũ Linh, Xuân Lai… trên những thửa ruộng đã phủ kín màu xanh của các loại cây trồng: ngô, cải bắp, su hào. Vụ đông năm nay, huyện Yên Bình đưa vào gieo trồng 1.585 ha cây vụ đông các loại.
Trong cơ cấu cây trồng thì ngô đông vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 700 ha. Đây là loại cây trồng được coi là phù hợp vì dễ bảo quản cùng với đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định. Các giống ngô đưa vào sản xuất là các giống lai có tiềm năng năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn… Ngoài cây ngô truyền thống, huyện mở rộng diện tích các loại rau màu trên đất ruộng và đất soi bãi với diện tích 570 ha bằng các giống tiến bộ kỹ thuật nằm trong danh mục giống cây trồng quốc gia.
Để sản xuất vụ đông giành thắng lợi, huyện Yên Bình huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, UBND huyện đã yêu cầu các xã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo sản xuất cây trồng vụ đông, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các thôn bản. Cùng đó, huyện đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp hạt giống, phân bón để kịp thời hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích cây vụ đông.
Đến nay, huyện đã phân bổ 2.000 kg ngô giống các loại và 350 kg hạt rau các loại, 10 tấn phân NPK và 40 tấn hữu cơ vi sinh cho 24 xã, thị trấn để kịp thời hỗ trợ nhân dân. Các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai canh tác của từng địa phương và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Với sự chỉ đạo quyết liệt về thời vụ, cơ cấu giống cùng sự nỗ lực của nông dân, đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng 750 ha ngô đông, đạt 100% theo kế hoạch, trong đó có 50 ha giao tăng thêm theo phương án khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3; đã trồng 610 ha rau, đạt 100% theo kế hoạch, trong đó có 30 ha giao tăng thêm theo phương án khôi phục sản xuất; trồng 300 ha khoai lang, đạt 100% kế hoạch. Hiện, toàn bộ diện tích ngô và rau màu sinh trưởng, phát triển tốt, nông dân đang tập trung chăm sóc bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh hại.
Hiệu quả sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Yên Bình được đánh giá bằng việc nông dân mở rộng diện tích và sản lượng dự ước của cán bộ ngành nông nghiệp huyện, năm nay Yên Bình đạt khoảng gần 2.300 tấn ngô, trên 1.800 tấn khoai lang cùng gần 7.000 tấn rau đậu các loại cung cấp cho thị trường, sẽ mang lại cho nhà nông toàn huyện một nguồn thu lớn.
Đặc biệt, một số địa phương đã xây dựng được các mô hình liên kết tổ chức sản xuất vụ đông theo chuỗi giá trị để tạo ra vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng an toàn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng bí xanh và bí ngô mật tại xã Mỹ Gia do Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Long triển khai.
Hợp tác xã này đã thực hiện liên kết chuỗi với sự tham gia của 11 hộ dân để phát triển diện tích trồng hơn 6 ha bí xanh và bí ngô mật với sản lượng đạt hơn 50 tấn quả, giá bán trung bình từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg, đem về cho hợp tác xã này doanh thu khoảng 300 triệu đồng/vụ. Tuy vậy, nhìn tổng thể sản xuất vụ đông ở huyện Yên Bình vẫn chưa có sự đột phá về cơ cấu giống. Nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ như rau sớm, bí xanh, xúp lơ diện tích còn ít.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trăn trở trong cách chỉ đạo, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nhằm tìm thị trường ổn định và nâng cao giá trị cho cây trồng vụ đông. Một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, song quy mô nhỏ, manh mún, thâm canh chăm sóc chưa bảo đảm, liên kết sản xuất hàng hóa chưa mạnh, khó nhân rộng. Tại nhiều địa phương chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nên các sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá thấp.
Để sản xuất vụ đông những năm tiếp theo đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ, các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng cây trồng vụ đông. Muốn làm vậy, cần nghiên cứu đưa các giống lúa ngắn ngày vào sản xuất để giảm áp lực về thời vụ cho nhà nông; khuyến khích việc đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn… Bên cạnh đó, cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, để khuyến khích người dân yên tâm bám đồng, bám ruộng nâng cao hiệu quả kinh tế từ vụ đông.
Để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, nhiều năm nay huyện Yên Bình tập trung phát triển cây vụ đông trên đất lúa hai vụ. Vụ đông năm nay, huyện tiếp tục khuyến khích nông dân tiếp tục bám đồng ruộng mở rộng diện tích thực hiện liên kết trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế từ vụ đông. |
Văn Thông