Yên Bình: Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- Cập nhật: Thứ ba, 31/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, kinh tế tập thể của huyện Yên Bình có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, hầu hết các xã trong huyện và các lĩnh vực kinh tế đều có các HTX hoạt động. Toàn huyện có 40 HTX đã phát huy vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác kết hợp kinh tế thị trường với kinh tế nhà nước, cùng giải quyết các vấn đề xã hội, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức phát triển cộng đồng.
HTX khai thác vận chuyển đá Mông Sơn.
|
Nhìn lại mô hình kinh tế tập thể trước đây, trên địa bàn huyện Yên Bình có 37 HTX, nhưng các HTX này chỉ tồn tại trên danh nghĩa còn thực chất là ngừng hoạt động. Từ năm 1996, thực hiện Chỉ thị 68/CT- TW và Nghị quyết số 01/NQ- TU của Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục đổi mới , phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Ban chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi HTX kiểu cũ sang HTX hoạt động theo luật. Đến năm 2006, toàn huyện đã phát triển được 44 HTX trong đó có 13 HTX dịch vụ tổng hợp- nông nghiệp, 3 HTX chế biến lương thực, thực phẩm, 5 HTX khai thác khoáng sản, 1 HTX tín dụng nhân dân, 3 HTX đồ mộc dân dụng, 11 HTX điện nước và 4 HTX dịch vụ và sản xuất khác. Khi đi vào hoạt động các HTX đã tạo được việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Năm 2006, tổng doanh thu của các HTX đạt 23 tỷ đồng đã đóng góp vào ngân sách 1,9 tỷ đồng. Nhiều mô hình HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản. Điển hình là HTX khai thác vận chuyển đá Mông Sơn. Năm 2006 HTX đã hoàn thành xây dựng nhà máy nghiền đá CaCO3, công suất 80.000tấn/năm, giá trị xuất khẩu đạt 5,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 480 lao động, đóng BHXH cho trên 100 cán bộ, công nhân viên. Có thể nói, các HTX đi vào hoạt động, đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Các HTX không chỉ thu hút được vốn đầu tư và đóng góp lớn vào giá trị tổng sản phẩm mà còn góp phần quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra. Không những thế, các HTX còn tác động mạnh đến việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế HTX của huyện còn bộc lộ một số hạn chế là: hầu hết các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường còn hạn chế. Toàn huyện còn 10% số HTX yếu kém. Trong 5 năm đã giải thể 9 HTX hoạt động kém hiệu quả, một số HTX do chưa xác định được phương hướng hoặc thiếu vốn nên hoạt động cầm chừng.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Năng lực quản lý, điều hành của một số ban chủ nhiệm còn hạn chế, chưa chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chưa thực sự quan tâm đến việc cải cách công tác quản lý, tiếp cận thị trường... Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, huyện đang hình thành các cơ sở sản xuất chế biến gỗ, chè, bột sắn, tre măng Bát Độ, thức ăn gia súc... với qui mô vừa và lớn, nâng cao kỹ thuật tay nghề, đầu tư mở rộng công nghệ, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu hàng năm chế biến 1.350 tấn chè, chế biến bột sắn 6.500 tấn, khai thác 167.000m3 đá trắng, chế biến 44.257 tấn CaCO3; đẩy mạnh phát triển các HTX theo mô hình gắn kết giữa dịch vụ nông lâm nghiệp với quản lý điện; quan tâm khôi phục một số làng nghề truyền thống; xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ du lịch, xây dựng và phát triển khu du lịch vùng hồ Thác Bà...
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Vụ xuân vừa qua, đồng bào xã Bản Mù (Trạm Tấu) phấn khởi có thêm trên trăm tấn thóc được thu hoạch từ mô hình sản xuất lúa xuân trên cánh đồng Mảnh Tầu - Tàng Ghênh, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong xã, tạo niềm tin vào vụ mới.
YBĐT - Là huyện có tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên, lại có tiểu vùng khí hậu thuận lợi và phù hợp với nhiều loại cây con, Huyện ủy-UBND huyện Lục Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xác định 9 loại cây và 4 con vật nuôi chủ lực trong chiến lược xóa đói giảm nghèo…
YBĐT - Theo anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND phụ trách khối nông lâm nghiệp huyện Văn Chấn thì diện tích ngô toàn huyện Văn Chấn đã ổn định trên 1500 ha. Vụ này có tăng hơn do bà con tận dụng những bãi đất ven đồi, ven suối và nhất là tranh thủ trồng ngô vào những diện tích đất trồng rừng kinh tế mới thu hoạch mà chưa kịp trồng cây vụ kế tiếp hoặc trồng xen vào những khu rừng mới trồng chưa khép tán.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng rừng 2007, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng 2007 do đồng chí Chủ tịch UBND phường làm trưởng ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo.